Trận mưa lớn kéo dài từ đêm 2/7 đến sáng ngày 3/7 đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tại thành phố Hà Giang, mưa lớn đã gây ra tình trạng ngập úng ở khu vực phường Minh Khai, đường Lý Tự Trọng, phường Trần Phú.
Tại huyện Vị Xuyên, mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương. Nhiều đoạn Quốc lộ 2 qua địa phận thị trấn Vị Xuyên và thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên đã bị ngập úng cục bộ, có nhiều đoạn nước ngập sâu. Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa, ngô, hoa màu cũng bị ngập úng.
Tại huyện Hoàng Su Phì, mưa lớn khiến nhiều nơi bị ngập sâu, đường Tỉnh lộ 177 Tân Quang - Hoàng Su Phì bị sạt lở, các phương tiện không đi qua được.
|
Ngập úng tại khu vực phường Trần Phú, TP Hà Giang. (Ảnh: phongchongthientai.mard.gov.vn) |
Lực lượng cứu hộ cứu nạn đã có mặt tại hiện trường, giúp nhân dân khắc phục hậu quả và di chuyển người đến địa điểm an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Giang đã chỉ đạo lực lượng 4 tại chỗ rà soát các điểm ngập úng, cũng như hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Vì diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lớn kéo dài nên chính quyền đề nghị người dân chủ động các phương án kịp thời ứng phó.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ chiều tối ngày 2/7 đến ngày 4/7, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40 - 80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa trên 80mm; thượng lưu sông Đà, Thao, Lô khả năng xuất hiện một đợt nước lên. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Dự báo mưa lớn ở Hà Giang sẽ còn duy trì đến ngày 4/7, kết hợp với thủy điện điều tiết lũ, trên các sông suối thuộc địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ 2 - 5m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ khả năng đạt mức báo động 1 đến trên báo động 1. Lũ có thể gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp ven sông suối.
Trước diễn biến của thời tiết, cơ quan chức năng khuyến cáo chính quyền các địa phương, ngành chức năng theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ, bố trí lực lượng trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống. Hạn chế di chuyển trong mưa lũ, trường hợp thật cần thiết phải đảm bảo an toàn. Không đi qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm. Chủ động các phương án bảo vệ đồ đạc, tài sản của gia đình. Đề phòng điện giật. Chú ý quan sát các dấu hiệu xảy ra lũ quét, sạt lở đất xung quanh nơi ở và khu sản xuất (như tiếng động lạ, vết nứt, nước suối chuyển màu…) để chủ động phòng tránh...
Bên cạnh công tác phòng, ngừa, ứng phó từ các cơ quan chức năng, người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin và bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản./.