Ngày 6/10, UBND TP. Hà Nội ra kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Việc triển khai kế hoạch sẽ giúp chủ động, nắm bắt kịp thời và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quản lý giao thông.
|
Các loại hình giao thông hiện đại sẽ giúp Thủ đô Hà Nội thêm văn minh. |
Theo đó, UBND TP. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tất cả các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trên địa bàn thành phố sẽ được triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh.
Đến thời điểm này, Hà Nội cũng hoàn thành 100% chuyển đổi số các nghiệp vụ trong công tác xây dựng và quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của các đơn vị thuộc UBND thành phố Hà Nội; hình thành được cơ sở dữ liệu về quản lý giao thông vận tải.
Thành phố cũng sẽ áp dụng thí điểm BIM (Building Information Modeling - là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình) trong công tác quản lý vận hành trong quá trình sử dụng cho khoảng từ 1-3 công trình quan trọng, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp được đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ và vật liệu tiên tiến để đổi mới công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Hình thành nguồn nhân lực dần đáp ứng làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những ứng dụng công nghệ mới. Đến năm 2030, thành phố cơ bản hoàn thành các kế hoạch nêu trên.
UBND TP. Hà Nội đã giao các sở, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chia sẻ dữ liệu liên quan giữa các bộ, ngành và địa phương; tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt đô thị, đường thủy nội địa được tích hợp trong cơ sở dữ liệu chung của ngành giao thông vận tải, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu lớn của ngành giao thông vận tải từ Trung ương đến địa phương. Kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các lĩnh vực giao thông vận tải và giữa Trung ương và địa phương.
Cùng với đó, yêu cầu đẩy nhanh đầu tư xây dựng các phần mềm ứng dụng các chuyên ngành giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ trong nước. Đẩy mạnh ứng dụng thiết bị, máy móc tự động hóa, robot hóa trong các dây chuyền thi công khép kín (robot đào hầm, in 3D cấu kiện công trình, máy rải thảm mặt đường tự động, lu tự động...)./.