Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị
đánh giá kết quả hoạt động quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV/2018 (Ảnh: HY) Xác định Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác là một chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước nhằm đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã triển khai kịp thời tới toàn thể cán bộ viên chức - người lao động trong chi nhánh các văn bản nghiệp vụ có liên quan đến công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội (TCCT-XH) nhận ủy thác như hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội CCB.
Ngoài ra, Ban Giảm nghèo cấp xã và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) NHCSXH tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn, các buổi họp giao ban ở các điểm giao dịch tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách tín dụng ưu đãi đến các hộ dân trên địa bàn.
Theo NHCSXH tỉnh Hưng Yên, sau 15 thực hiện nghị định 78, từ 3 chương trình tín dụng ban đầu với 167 tỷ đồng, đến nay chi nhánh đã thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đến 30/9/2018 đạt trên 2.480 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng so với quý II, tăng 148,6 tỷ đồng so với ngày 31.12.2017 tỷ đồng. Có thể nói, tín dụng chính sách đã được phủ đến từng thôn, xóm thông qua mạng lưới trên 3000 tổ tiết kiệm và vay vốn, 161 điểm giao dịch xã tại chi nhánh. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với trên 784.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp hơn 67 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho hơn 3 nghìn lao động, hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng gần 100 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Trong đó, một trong những chương trình tín dụng đáng chú ý là chương trình cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm. Chương trình này của NHCSXH đã có tác động tích cực đến việc thu hút lao động và chuyển dần lao động thuần tuý trong nông nghiệp mức thu nhập thấp sang các ngành nghề có thu nhập cao, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.
Điển hình là nhờ có chương trình cho vay hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm, anh Đỗ Văn Chuyên, TT Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ đã có nguồn thu nhập cao từ mô hình nuôi lợn bằng thuốc bắc. Bắt đầu vay từ những năm 2005, anh Chuyên đã đi đầu trong việc áp dụng nuôi lợn bằng thuốc bắc với một số nguyên liệu như kim ngân hoa, thổ phục linh..., không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm sạch mà thành phẩm cung cấp ra thị trường cũng đảm bảo chất lượng. Với diện tích chuồng trại trên 1.000m2, anh Chuyên đang nuôi 40 lợn nái, 150 lợn con, trung bình mỗi năm, mô hình nuôi lợn bằng thuốc bắc được tiêu thụ khoảng 80 tấn lợn sạch cho địa phương và tại 2 cửa hàng thực phẩm sạch tại đô thị Ecopark và tại Hà Nội. Trừ chi phí, mỗi năm cho thu lãi trên 400 triệu đồng.
Trong khi đó, nếu như trước kia gia đình anh Quách Văn Thuân, chị Cao Thị Nguyệt, thôn Đô Mỹ, xã Bãi Sậy huyện Ân Thi không đủ tiền để duy trì cuộc sống thì nay, gia đình anh chị lại đang sống trong ngôi nhà khang trang và không còn phải lo bữa cơm từng ngày. Đó là nhờ có chương trình cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài của NHCSXH đối với các đối tượng người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng. Đến nay, mỗi tháng anh Thuân đi Hàn Quốc đã gửi về cho gia đình 1.500 USD.
Được biết, với mức cho vay tối đa (bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài được ghi trong Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài), đến nay, tổng doanh số cho vay của NHCSXH Hưng Yên là 63 tỷ đồng với trên 2 nghìn lượt hộ vay.
Có thể khẳng định, tại tỉnh Hưng Yên, cùng với nhiều chương trình tín dụng khác, chương trình cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người dân thụ hưởng chính sách. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm, tạo thu nhập và nâng cao đồi sống cho người lao động và gia đình họ.../.