|
Liên tiếp trong 2 buổi sáng Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19. Ảnh: TL
|
Những tín hiệu tích cực...
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 06/4, Việt Nam đã có tổng số 241 người bị mắc COVID-19; trong đó có 150 bệnh nhân là người nước ngoài, chiếm 62,2%; 91 bệnh nhân lây nhiễm thứ phát trong đó 61 bệnh nhân thuộc ổ dịch nội địa.
Kết quả theo dõi cũng cho thấy, liên tiếp trong 4 ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 ở Việt Nam ghi nhận theo ngày cũng liên tiếp giảm xuống; từ 11 ca ngày 2/4 xuống còn 3 ca ngày 4/4 và hôm qua là 1 trường hợp.
Các chuyên gia cho rằng, với những số liệu nói trên, sẽ là quá sớm nếu ai đó cho rằng dịch COVID-19 ở Việt Nam đã bị đẩy lùi; song rõ ràng, đây thực sự là những tín hiệu tích cực, đánh dấu những kết quả bước đầu của Chính phủ và nhân dân ta trong “cuộc” chiến chống lại dịch, bệnh COVID-19. Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây chưa phải là giá trị dịch tễ đánh giá dịch đã lui. Tuy nhiên đây là một tín hiệu vui nhưng không nên chủ quan.
Đối với công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, chiều 05/4, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã làm thủ tục công bố bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 57 (BN 57) khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 95 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh; 141 bệnh nhân còn lại được điều trị tại 21 cơ sở y tế, đa số đều có sức khoẻ ổn định. Trong số này đã có những người bệnh có kết quả khả quan. Cụ thể số ca âm tính từ 1 lần trở lên đã tăng lên 52 ca, trong đó âm tính từ 2 lần trở lên tăng lên 23 ca. Dự kiến, trong một số ngày tới, sẽ có thêm bệnh nhân COVID-19 được tuyên bố khỏi bệnh. Tiểu ban Điều trị bệnh nhân COVID-19 cho biết, hiện diễn biến sức khoẻ của 3 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng đang tiến triển tốt lên.
Lạc quan nhưng tuyệt đối không chủ quan
Tính chung trên toàn thế giới, đến sáng ngày 06/4, COVID-19 đã xuất hiện ở 208 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 1,2 triệu người nhiễm virus corona chủng mới với hơn 69.000 người đã tử vong. Chỉ cần làm phép so sánh nhỏ cũng sẽ thấy rõ những tín hiệu tích cực trong công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở nước ta, tính đến thời điểm hiện nay.
|
Kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 phụ thuộc chủ yếu vào ý thức trách nhiệm của mọi người dân. Ảnh: Trường Quân |
Tuy vậy, theo phân tích của các chuyên gia, những tín hiệu rất tích cực cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và những giải pháp đưa ra đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong "cuộc chiến" chống dịch COVID-19, bất kỳ một sự chủ quan và nhận thức không đúng nào về dịch bệnh đều sẽ dẫn đến những tình huống đáng tiếc với nhiều hậu quả khó lường. Thực tế cho thấy, dịch bệnh COVID-19 thực sự nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Đặc biệt, trước khi phát bệnh, nhiều bệnh nhân có thời gian ủ bệnh rất dài; mới đây nhất, Hà Nội đã phát hiện trường hợp đến Bệnh viện Bạch Mai sau 23 ngày mới dương tính hoặc trường hợp xét nghiệm lần đầu âm tính, nhưng lấy mẫu xét nghiệm lần 2 lại cho kết quả dương tính. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.
Theo đồng chí Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, thi đua và khen thưởng (Bộ Y tế), ngay từ khi có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc, khi WHO vẫn dè dặt chưa công bố dịch thì tại Việt Nam, Chính phủ đã đặt Việt Nam ở mức cảnh báo cao. Cùng với đó là những biện pháp quyết liệt được Chính phủ và các địa phương kiên quyết thực hiện đó góp phần quan trọng giúp chúng từng bước ngăn chặn dịch COVID-19.
Là người trực tiếp điều trị nhiều bệnh nhân mắc COVID-19, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết, sở dĩ các ca bệnh COVID-19 tại Việt Nam điều trị thành công, sớm xuất viện là do chúng ta có ít ca bệnh, không bị vỡ trận như một số nước, bệnh nhân được chăm sóc tốt, giám sát chặt chẽ về mặt sức khỏe. “Do đó, việc giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, hạn chế số ca mắc ít nhất là rất quan trọng. Chỉ có khoanh vùng, dập dịch sớm thì mới hạn chế được ca bệnh, điều trị thành công" - bác sĩ Cấp lý giải.
Như vậy có thể thấy, trong khi những dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp, những kết quả bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và điều trị người mắc bệnh là những tín hiệu tích cực, đáng mừng; là sự động viên to lớn đối với các lực lượng chuyên môn và người dân cả nước.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có được hiệu quả, hơn lúc nào hết chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với dịch, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân cả nước cần quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, mỗi người dân cần đề cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết, tự giác đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp...
“Cuộc chiến” chống COVID-19 chỉ có thể đi đến thắng lợi cuối cùng trên cơ sở trách nhiệm của từng người dân và cả cộng đồng xã hội./.