CSGT tỉnh Hòa Bình hướng dẫn về các loại biển báo giao thông cho học sinh (Ảnh: TH) Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa hình trải rộng với nhiều tuyến quốc lộ đi qua; trình độ nhận thức của người dân không đồng đều… Bám sát những đặc điểm nói trên, Ban ATGT tỉnh Hòa Bình đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo đảm TTATGT. Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn trong chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, bảo đảm TTATGT… Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh đã xây dựng phương án, kế hoạch tuần tra, kiểm soát; tham mưu cho Ban ATGT tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, đường thủy; huy động lực lượng đoàn thanh niên, cựu chiến binh, các tổ an ninh tự quản… cùng tham gia công tác đảm bảo TTATGT. Trong năm 2018, các lực lượng chức năng đã cấp phát hơn 10 nghìn quyển tài liệu tuyên truyền lái xe mô tô, xe gắn máy; tổ chức ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho gần 97% tổ dân phố, khu dân cư, thôn, bản; phát 15 phóng sự tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng… Riêng Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng 11 phóng sự và 35 bài viết tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền các nội dung về TTATGT cho hơn 14.900 lượt cán bộ, nhân dân; tặng trên 2.700 mũ bảo hiểm, 450 áo phao và dụng cụ nổi cho người dân.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, tuần tra kiểm soát, hướng dẫn, xử phạt chủ các phương tiện vi phạm ATGT. Chỉ đạo xây dựng, triển khai các kế hoạch cao điểm đảm bảo TTATGT, đặc biệt vào các dịp kỷ niệm, dịp nghỉ lễ tết… Trong năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình đã phát hiện và lập biên bản trên 12.600 trường hợp vi phạm các quy định về TTATGT; xử phạt hơn 11.000 trường hợp với số tiền nộp ngân sách là gần 10,8 tỷ đồng; tạm giữ trên 2.790 phương tiện, tước 859 giấy phép lái xe.
Theo Trung tá Đinh Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình, nhằm kiểm soát, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát huy vai trò nòng cốt, lực lượng CSGT đã tổ chức các đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm ATGT, tập trung vào các tuyến đường trọng điểm, đường quốc lộ; địa bàn đông dân cư, các điểm cổng trường học, các nút giao thông có lắp đèn tín hiệu, những nơi tập trung đông người vào các buổi sáng và giờ cao điểm… Từ đó, góp phần bảo đảm tốt tình hình TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh.
CSGT kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về TTATGT (Ảnh: TH) Tuy nhiên, số liệu thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng cho thấy, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tuy có những chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự ổn định. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 107 vụ tai nạn giao thông, làm chết 85 người và bị thương 82 người (so với cùng kỳ năm 2017, giảm 01 vụ, tăng 02 người chết, giảm 03 người bị thương). Trong đó, 86,9% số vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến quốc lộ; 55,1% số vụ tai nạn liên quan đến xe ô tô và 42,1% liên quan đến xe mô tô… Nguyên nhân xảy ra các trường hợp vi phạm ATGT được xác định chủ yếu là do yếu tố chủ quan của người tham gia giao thông với các lỗi như: Vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh, vượt sai quy định, khi chuyển hướng không quan sát, không nhường đường, vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, dừng đỗ sai quy định, không có giấy phép lái xe, do người đi bộ vi phạm quy định ATGT…
Có thể nói, với nhiều giải pháp đồng bộ, tình hình TTATGT ở Hòa Bình đã có những chuyển biến tích cực; nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về ATGT ở đại bộ phận người dân đã dần được nâng lên… Tuy vậy, do sự phát triển của đời sống xã hội, nhất là gia tăng lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nên các vi phạm về TTATGT vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, thời gian tới, UBND tỉnh Hòa Bình, Ban ATGT tỉnh sẽ cùng các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT; tổ chức nhiều đợt tuần tra lưu động và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: chở hàng hóa cồng kềnh, chở quá khổ, quá tải; chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu; uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; không đội mũ bảo hiểm… Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phối hợp giải tỏa vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến đường nhằm hạn chế và giảm thiểu tối đa nguy cơ các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng...
Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, sự quyết tâm của lực lượng chức năng và ý thức trách nhiệm của người dân, tin tưởng công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh miền núi Hòa Bình sẽ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, góp phần giúp người dân có những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi an toàn, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân./.