Hơn 20.000 tỷ đồng khó thu hồi, suy ngẫm về “Ngày vì người nghèo”

Thứ ba, 16/10/2018 09:38
(ĐCSVN) - Vừa qua, Bộ Tư pháp cho biết, gần 2.500 tỷ đồng trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nam Hà Nội, hơn 13.700 tỷ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như, hơn 6.500 tỷ đồng trong vụ Phạm Công Danh… rất khó để thu hồi.

Dư luận cho rằng nếu số tiền kia được góp cho ngày “Vì người nghèo” thì người nghèo vơi đi phần nào nổi khổ cho cuộc sống.


Trao tặng bò giống sinh sản cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

 

Tài sản tham nhũng bị tẩu tán, hợp lý hoá

Những thông tin này được Bộ Tư pháp giải thích rằng, ngoài những vụ việc chuyển từ kỳ trước sang với giá trị phải thi hành lớn như vụ Phạm Công Danh còn phải thi hành 6.512 tỷ; vụ Huỳnh Thị Huyền Như 13.767 tỉ đồng, vụ Ngân hàng  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Nam Hà Nội hơn 2.400 tỷ đồng, thu được hơn 84 tỷ đồng, hiện không còn tài sản để thi hành án; vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, số tiền phải thi hành án là hơn 358 tỷ đồng nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng, và gần như không còn khả năng thu hồi thêm.... thì trong quý 3/2018, các cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục thụ lý thêm một số vụ án lớn khác như vụ Hà Văn Thắm trên 1.797 tỷ đồng... Giá trị phải thi hành ngày một tăng lên, trong khi đó những vụ việc đã thụ lý trước đó vẫn chưa giải quyết xong.

Theo Bộ Tư pháp, cơ quan chủ quản nắm lĩnh vực thi hành án dân sự, số tiền phải thi hành lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp. Nguyên nhân khác khiến việc thu hồi tài sản trong các vụ “đại án” gặp khó khăn là do tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án.

Ví dụ sau đây để thấy thi hành án gặp nhiều khó khăn là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền mua tài sản. Vụ Phạm Công Danh, tài sản là dự án chưa thực hiện xong việc đền bù hoặc nhận tiền đền bù nhưng vẫn không chuyển đi. Vụ sân vận động Chi Lăng, TP. Đà Nẵng, tài sản kê biên là khu phức hợp thể thao này nhưng hiện có nhiều hộ dân đang sinh sống tại đây, chưa giải quyết được…

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề cập đến vấn đề thể chế về xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương còn chưa đồng bộ, dẫn đến các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau chưa được giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản và tiến độ thi hành án.

Hay vụ Phạm Công Danh, Bộ Tư pháp phải thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý để Cục Thi hành án dân sự TPHCM ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi xử lý một số tài sản trên địa bàn. Riêng trường hợp sân Chi Lăng trong vụ Phạm Công Danh, Bộ Tư pháp cho biết sẽ báo cáo Chính phủ giải pháp đền bù cho các hộ dân đang sinh sống trong khu phức hợp.

Có thể thấy, tài sản để thi hành án là vô cùng gian nan và khả năng thu hồi là không cao bởi các lý do mà Bộ Tư pháp đã nêu ở trên. Dư luận cho rằng nếu như tài sản ấy được thu hồi mà ủng hộ “Ngày vì người nghèo” thì giá trị nhân văn biết bao nhiều, nhiều gia đình sẽ vơi đi đói nghèo... Thấy rõ được ý nghĩa ấy Chính phủ đã vào cuộc và chỉ đạo mạnh mẽ Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch giải quyết, thành lập các tổ công tác; tổ chức các buổi họp liên ngành, ban hành công điện đôn đốc và tổ chức các buổi làm việc với các địa phương đang giải quyết các vụ việc. Các cơ quan Thi hành án dân sự cần phải tiếp tục nỗ lực, có giải pháp tích cực tập trung tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản trái phép về cho Nhà nước.

 “Ngày vì người nghèo”

 “Ngày vì người nghèo” là giá trị nhân văn sâu sắc, bắt nguồn từ đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, “ thương người như thể thương thân” “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “cho đi là giữ lại”…Nhiều tấm gương cao đẹp đóng góp tiền, của cho người nghèo rất đáng được trân trọng. Giữ gìn và phát huy truyền thống ấy, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, chọn ngày 17/10 hàng năm làm ngày “Thế giới chống đói nghèo”, Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 17/10 hàng năm là “Ngày vì người nghèo” của Việt Nam.

Theo báo cáo của UBMTTQ Việt Nam, sau 17 năm (17/10/2000 - 30/6/2016), tổ chức phát động và thực hiện giúp đỡ người nghèo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tuyên truyền, vận động các nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo", tập trung hỗ trợ chương trình làm nhà “Đại đoàn kết” và làm nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ. Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội đã tiếp nhận 49.613 tỷ đồng, trong đó ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo"” 4 cấp hơn 13.400 tỷ đồng, ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được 36.213 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với chính quyền hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa 1.482.512 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn; hàng chục triệu lượt hộ nghèo được hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất; hàng ngàn công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...) được xây dựng; người nghèo được giúp đỡ nhân dịp Tết Nguyên đán, giúp đỡ cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết. Mặt trận các tỉnh, thành phố đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhiều hình thức quyên góp phong phú nhằm huy động được nguồn quỹ, thu hút đông đảo tổ chức trong, ngoài nước và các tầng lớp nhân dân tích cực giúp đỡ người nghèo.

Thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, Chính phủ đã xây dựng các chương trình, dự án lớn nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135); Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào nghèo, đời sống khó khăn; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 12/12/2008); Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008)...

Có thể nói, công cuộc xóa đói giảm nghèo đã thu hút được cả xã hội vào cuộc tham gia tích cực, từ Chính phủ đến người dân, từ học sinh sinh, sinh viên đến kiều bào nước ngoài … không ai đứng ngoài cuộc với tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp. Người thì cuốn vở cái bút, áo ấm, ngày lương, lớn hơn là căn nhà; hay nhắn tin “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2018, mỗi tin nhắn ủng hộ có trị giá 20.000 đồng, và các chương trình lớn của Chính phủ như 135, 30a...đã phần nào giúp người dân bớt đi khó khăn, vơi đi cái đói nghèo.

Tuy nhiên, không khỏi chạnh lòng sao được khi mà số tiền mà Bộ Tư pháp công bố khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng khó thu hồi trong việc thi hành án dân sự. Con số đó bằng bao nhiêu lần tin nhắn, bao nhiêu phong trào ủng hộ giúp đỡ người nghèo. Ai cũng cho rằng, số tiền ấy mà được đến tay người nghèo thì tốt biết bao! Liệu những người vi phạm pháp luật tham ô, tham nhũng có nghĩ rằng người nghèo họ rất cần tiền cho cuộc sống không? Dư luận mong rằng, các cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm để thu hồi tài sản Nhà nước để không còn những người đã và đang chấp nhận vi phạm, chấp nhận chi sai nguyên tắc để vơ vét của chung thành của riêng, với tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”./.

Nguyễn MInh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực