Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không

Thứ sáu, 23/06/2023 11:30
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hàng không cần phải tiếp tục "kích hoạt" một giai đoạn mới với tốc độ nhanh hơn, có thể vượt "gió ngược" để cất cánh.

Sáng 23/6, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia về hạ tầng hàng không nhằm phân tích, đánh giá, kiến giải, luận bàn về vấn đề này.

Tham dự Tọa đàm gồm có các ông: Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (tham dự trực tuyến từ Quảng Ninh); Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ Giao thông vận tải; Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn;  Lương Hoài Nam, Chuyên gia hàng không.

Các khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Một số cảng hàng không đã quá tải hạ tầng

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về thực trạng và thách thức của hạ tầng hàng không hiện nay, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết: Ngành hàng không Việt Nam cũng như ngành hàng không trên thế giới được hình thành thông qua kết quả hạ tầng từ các cuộc chiến tranh, đều từ các sân bay quân sự chuyển sang khai thác hàng không dân dụng.

Hiện nay, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý và có 1 cảng hàng không chúng ta đã kêu gọi, huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh.

Giai đoạn 2011-2019/2020, tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16-18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới.

Tốc độ phát triển nhanh của vận tải hàng không đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Giai đoạn 2011 – 2019, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam đạt được công suất thiết kế cho các cảng hàng không là 95 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi thực tế thời điểm cao nhất trước COVID-19 năm 2019, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu hành khách/năm. Như vậy là đã vượt khoảng 20 triệu lượt khách thông qua hệ thống cảng hàng không Việt Nam.

“Với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không của chúng ta đã quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước, cụ thể là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng”, ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.

Ông Nguyễn Anh Dũng cũng chia sẻ, giai đoạn vừa qua, nguồn vốn của chúng ta huy động vào các cảng hàng không này chủ yếu là ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Hiện có 21 cảng hàng không đang khai thác do nguồn vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đầu tư. “Riêng Cảng hàng không Vân Đồn là dự án thu hút PPP đầu tiên. Trong giai đoạn vừa rồi, đã thu hút được 95 nghìn tỷ, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 13,5%, còn lại là nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tức là của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn PPP cho Cảng hàng không Vân Đồn”, ông Nguyễn Anh Dũng khẳng định.

Quảng Ninh: Đổi mới phương thức huy động và khơi thông các nguồn lực

Chia sẻ những cách làm hay của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực hàng không, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho hay: Tỉnh Quảng Ninh, quán triệt các chỉ đạo của Trung ương từ Đại hội XI cho đến nay, trong đó tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng.

“Với tư duy đổi mới, tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương, chúng tôi đã quyết tâm kế thừa, đổi mới phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", đưa Quảng Ninh phát triển bền vững. Chúng tôi cũng sớm định hướng đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông với quan điểm giao thông phải đi trước 1 bước, phải đổi mới phương thức huy động và khơi thông các nguồn lực”, ông Cao Tường Huy cho hay.

Theo ông Cao Tường Huy, giai đoạn 2014 cho đến nay, Quảng Ninh đã huy động được trên 140 nghìn tỷ đồng đầu tư cho phát triển hạ tầng. Trong đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Ninh theo phương thức đối tác công-tư đã huy động được 45 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành được 180 km đường cao tốc chạy suốt chiều dài của tỉnh. Quảng Ninh cũng đã đầu tư thành công Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai. Cùng với đó là hạ hầng giao thông kết nối liên vùng đến tất cả các địa phương ở trong khu vực. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển tỉnh Quảng Ninh nhanh.

Trong 7 năm liên tiếp, Quảng Ninh đạt được tăng trưởng GRDP 2 con số. Đặc biệt trong năm 2021, 2022, dù diễn ra dịch COVID-19, Quảng Ninh đạt tăng trưởng khoảng 10,25%. Tổng mức đầu tư từ năm 2021 đến nay thu hút được khoảng 430 nghìn tỷ đồng, FDI thu hút được 3,61 tỷ USD, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.

Ông Cao Tường Huy cũng cho biết, cảng hàng không dân dụng là 1 công trình động lực mà Quảng Ninh xác định phải đầu tư. Đây cũng là cảng hàng không đầu tiên mà Chính phủ giao cho Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện, và cũng là cảng hàng không đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT. Đây là cảng hàng không được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế với chiều dài cất cánh 3.600 m, công suất thiết kế đến năm 2030 là 2,5 triệu lượt khách và sau 2030 là 5 triệu lượt khách.

"Kích hoạt" một giai đoạn mới với tốc độ nhanh hơn

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng về giao thông vận tải là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Bám sát định hướng, quan điểm của Đảng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong đó coi phát triển hạ tầng hàng không là một trong những trọng tâm.

Với sự tăng trưởng kỷ lục trong những năm gần đây của ngành hàng không, công tác đầu tư phát triển hạ tầng của ngành là một yêu cầu bức thiết đặt ra, giúp giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng quá tải ở một số cảng hàng không. Đầu tư cho hạ tầng hàng không đòi hỏi một lượng vốn lớn trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp, điều kiện về nguồn lực tài chính còn hạn chế.

Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc huy động, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng hàng không và đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu tích cực. Nhiều địa phương có đề nghị xã hội hóa việc đầu tư, khai thác các công trình trong cảng hàng không, sân bay; sự quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực hạ tầng hàng không ngày càng nhiều hơn; nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực này theo hình thức PPP được khởi động hoặc đã và đang được triển khai thực hiện hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu đạt được và sau quá trình khởi động có thể coi là suôn sẻ thì việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hàng không cần phải tiếp tục "kích hoạt" một giai đoạn mới với tốc độ nhanh hơn, có thể vượt "gió ngược" để cất cánh./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực