Khơi lên khát vọng Ea Kar

Thứ hai, 29/04/2024 09:39
(ĐCSVN) - Những ngày hạ tuần tháng 4, khi mặt trời vừa ló dạng, dọc Quốc lộ 26 đoạn qua địa phận huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã bừng lên sinh khí của một ngày mới. Người và xe tấp nập trên những cung đường nhựa phẳng lì, rộng rãi. Mọi ngả đường, người đến công sở, người vào nương rẫy, người buôn bán, học sinh nô nức đến trường nhộn nhịp… Ngày mới ở Ea Kar bây giờ là thế, không còn cảnh đìu hiu một thuở.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khảo sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Ea Kar mới đây. 

Thời gian khó chưa xa

“Từ chỗ phải tha phương, phiêu bạt để mưu sinh kiếm sống thì nay ngay trên chính mảnh đất xưa, người dân đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ khá giả nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là trồng cà phê, cây ăn quả, chăn nuôi…”. Tâm sự trải lòng của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Huê Phạm Duy Hùng bên ly cà phê sáng đã khơi mở ý tưởng để tác giả hình thành tác phẩm báo chí về Ea Kar ngày mới.

Nằm sát thị trấn Ea Kar, Cư Huê với gần 50% là người dân tộc thiểu số. Một thời chưa xa, khi nhắc đến đất này, người ta biết ngay là vùng quê lam lũ, nghèo khó. Người dân quanh năm phải oằn mình lo miếng cơm manh áo mà nghèo đói đeo bám mãi; cứ quanh quẩn rẫy nương mùa này qua mùa khác đắp đổi mưu sinh mà cái nghèo đằng đẵng không dứt ra được.

Thành lập năm 1986, huyện Ea Kar nằm ở phía Đông tỉnh Đắk Lắkk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 52 km, với 29 dân tộc anh em cùng chung sống và gần 30% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ê Đê và một số cư dân phía Bắc vào lập nghiệp sau ngày giải phóng. Ngày ấy, kết cấu hạ tầng, đường sá xập xệ, dân cư thưa thớt, suốt dọc Quốc lộ 26 đi qua, chỉ thấy những bóng nhà gỗ xiêu vẹo, những vườn tược, nương rẫy hắt hiu, vàng úa…

Già làng Y Jút Bkrông, Bí thư Chi bộ buôn Ea Kdruôl, thị trấn Ea Kar bồi hồi: “Hẳn muôn người trên đất Ea Kar còn hằn trong ký ức những năm tháng sinh tồn với miếng ăn đứt bữa qua ngày, còn rùng mình nhớ lúc vượt núi khe đi kiếm kế mưu sinh và những tháng ngày chống chọi với thiên nhiên, tập quán cũ xưa kìm hãm. Ngày qua ngày nơm nớp lo sợ khi bóng ma Fulro luôn rình rập cuộc sống bình yên của người dân”.

Bước vào sự nghiệp đổi mới, bao thế hệ lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cùng đội ngũ cán bộ Ea Kar từng phải trăn trở, lo toan vì một vùng đất ruột thịt phía Đông cơ sở hạ tầng thấp kém, sản xuất thuần nông nhưng manh mún, chắp vá; công nghiệp thì nhỏ lẻ; buôn bán cũng chỉ mớ rau, con cá… Cứ thế, người dân nơi đây chỉ có sự lựa chọn duy nhất là cố bám trụ với rừng, sống lay lắt trong nghèo khó và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Y Khun Mlô vẫn còn nguyên tâm trạng: “Cảnh nghèo khó năm xưa vẫn còn rõ lắm. Nhắc lại không phải để chạnh lòng, mà càng thêm trân quý nghị lực, quyết tâm”. Người dân ở mảnh đất này luôn kiên cường, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, đi qua những tháng ngày gian khó nhất của cuộc chiến tranh và trong sự nghiệp dựng xây, kiến thiết quê hương.

Bí thư Huyện ủy Ea Kar YNhuân Byă (thứ 3 trái sang) trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới với huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên).

Thành quả kết tinh từ tâm huyết, tư duy tiên phong, đột phá

Bí thư Huyện ủy Ea Kar Y Nhuân Byă nguyên là cán bộ Đoàn nên nhanh nhẹn, anh khá thân tình, xởi lởi, nhất là khi được gợi mở về sự nghiệp đổi mới và bước đi, cách làm của quê mình thì hào hứng, say sưa... Anh khẳng định: “Dù còn những lực cản nhất định trên bước đường đi tới nhưng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Ea Kar không cam chịu nghèo khó, chủ động, sáng tạo, cố kết cộng đồng, đoàn kết để gặp chướng ngại biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn thì cùng sẻ chia, đùm bọc”. Bởi thế, từ trong gian khó, những người Ê Đê, người Xơ Đăng, người Tày, người Thái, người Nùng, người Kinh… từ muôn phương về lập nghiệp quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, đồi Cư Cúc, bên Tượng đài Thành Quả, trên vùng đất Buôn Trưng giàu truyền thống cách mạng… cùng nắm chặt tay, xốc lại đội ngũ, nhìn về một hướng, xây đời sống mới.

Trong suốt hành trình dựng xây, kiến thiết, Đảng bộ Ea Kar liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo, cho thấy tinh thần chủ động, dám làm vì dân để vươn lên, bứt phá. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, đặc biệt là năm 2023, Ea Kar đã ghi dấu với nhiều kết quả tích cực; kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, 19/19 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt. Trong đó có nhiều chỉ tiêu nổi bật như: tổng giá trị sản xuất đạt 22.670 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,3%; thu nhập bình quân đầu người trên 150 triệu đồng/năm; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 3.664 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. “Giờ chúng tôi không nói chuyện nghèo, không nhắc chuyện khó nữa, quyết tâm để sớm trở thành thị xã”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Chuyền bày tỏ.

Đi lên từ gian khó, Ea Kar hôm nay đã hiện hữu một tiền đồ rộng mở. Vẫn núi rừng, đồng đất, con người năm xưa, giờ là những xanh ngắt niềm tin, nuôi đắp khát vọng với bạt ngàn những cánh đồng lúa, cà phê, cây trái xanh thẳm. Từ thị trấn Ea Kar, Ea Knốp, đến các xã Cư Bông, Cư  Elang, Cư Huê, Ea Dar, Ea  Kmút, Ea Ô, Ea  Păl... đâu đâu cũng hiển hiện vóc dáng của đô thị năng động, nông thôn trù phú với hệ thống giao thông kết nối, những ngôi nhà vững chãi, bề thế định cư men theo những con đường huyết mạch, nối dài... Những thành quả đó được dựng xây bằng bàn tay, khối óc, bằng tâm huyết, vươn tới không ngừng. Người Ea Kar biết nâng niu, trân trọng quá khứ từ ông cha dựng xây nền móng, biết chắt chiu bao giọt mồ hôi mà dựng cơ đồ.

 Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của người dân huyện Ea Kar.

Có thể khẳng định, những thành tựu mà Ea Kar đạt được thời gian qua có dấu ấn đậm nét của việc đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, xác định tầm nhìn trong chủ trương và hành động, đi lên bằng nội lực, tư duy tiên phong, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực, vun đắp và nuôi dưỡng tâm huyết, khát vọng vươn lên như chưa bao giờ vơi cạn. Theo Bí thư Huyện ủy Y Nhuân Byă, để có được những thành tựu vượt bậc đó, Đảng bộ huyện luôn trân trọng, kế thừa quyết tâm của nhiều thế hệ. Đội ngũ cán bộ biết kiến tạo, lo trước, nghĩ sau, cùng nhau hợp sức vượt trước thời gian xây dựng Ea Kar phát triển đồng bộ, hài hòa theo lộ trình bài bản, căn cơ, khoa học.

Cùng với phát triển kinh tế, việc đổi mới phương thức lãnh đạo luôn được Đảng bộ huyện coi trọng. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vương Tấn Thành, hiện 100% thôn, buôn, tổ dân phố có đủ đảng viên là người tại chỗ; tỷ lệ cán bộ nữ đạt 33,3%; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đồng bào dân tộc thiểu số cấp huyện đạt 12,5%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay kết nạp gần 600 đảng viên mới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai quy củ, có nhiều cách làm mới, chiều sâu, sức lan tỏa lớn. Mỗi nghị quyết là một chủ trương sát hợp yêu cầu thực tiễn nên nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống và khơi dậy các nguồn lực trong tổ chức thực hiện. Sau khi nghị quyết ban hành, cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ xắn tay vào cuộc. Cán bộ cấp huyện, cấp xã được phân công bám chi bộ thôn, buôn sinh hoạt, cùng bàn, cùng lo việc dân, bàn việc Đảng.

Trả lời câu hỏi: Vì sao Ea Kar có chuyển biến mau lẹ, đúng hướng, hệ thống chính trị đồng thuận, được người dân đồng tình, Bí thư Ea Kar Y Nhuân Byă chân thành: “Đoàn kết thực chất là yếu tố hàng đầu; kế đến là dân chủ được thực hiện đầy đủ ở cơ sở, sau đó là mọi chủ trương, đường hướng, mục tiêu phát triển đều phải được bắt nguồn từ thực tiễn, tất cả vì cuộc sống của người dân. Chủ trương xuyên suốt là không bàn lùi, luôn hướng lên phía trước”.

Có thể nhìn rõ lộ trình đổi mới phương thức lãnh đạo, lấy chuyển biến thực chất làm thước đo đánh giá cán bộ. Huyện ủy phân công cán bộ bám chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố sinh hoạt, cùng bàn, tháo gỡ những vướng khó của người dân. Ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên phụ trách bám cơ sở rà soát, tìm hiểu thực tiễn, gặp gỡ, đối thoại với dân để xử lý công việc tại chỗ với phương châm “Nói cho dân tin, làm cho dân theo, không để dân chờ, dân đợi”, tháo gỡ ngay những vướng khó tại cơ sở. Gần dân, sâu sát thực tiễn nên hiệu quả công việc thấy rõ, trôi chảy, nhất là niềm tin, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được khơi dậy với tinh thần mọi chủ trương phải bắt nguồn từ cuộc sống.

Tự hào về sự phát triển vượt bậc của vùng quê bao đời gắn bó, già làng H Lai Byă, Bí thư Chi bộ buôn Ega, xã Ea Kmút bày tỏ: “Cả đời sống trên đất này, tôi chứng kiến sự đổi thay của huyện thể hiện rõ nét nhất ngay ở sự thay đổi trong cuộc sống người dân, trong đó có gia đình tôi. Những năm qua, huyện dành nhiều công sức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao đời sống cho người dân”. Điều đó không chỉ góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, mà còn tạo được sự đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết, tạo khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới để Ea Kar vững bước.

 Cụm công nghiệp Ea Đar có nhiều tiềm năng, thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại của huyện Ea Kar phát triển.

Vững niềm tin đi tới

Trải qua bao thăng trầm, gian khó, vẫn vững vàng như cây rừng giữa đại ngàn, can trường chống chọi với thiên nhiên để tồn tại, đi lên phía trước. Đó chính là nền tảng, gốc rễ, là động lực để Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Ea Kar bồi đắp thêm ý chí, nuôi dưỡng khát vọng đổi thay. Trên hành trình đi tới, Bí thư Huyện ủy Y Nhuân Byă khẳng định: “Ea Kar tiếp tục chủ động biến tiềm năng thành nguồn lực, hóa giải các nguy cơ, năng động, tự lực, tự cường với tinh thần nhất quán, xuyên suốt: “Đổi mới, sáng tạo, hành động”.

Theo đó, định hình không gian phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ea Kar không chỉ vươn lên vị thế mới, mà còn khẳng định vai trò năng động của vùng đất phía Đông tỉnh Đắk Lắk; tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng xanh, bền vững; giải quyết đồng bộ, hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới; hoạch định lộ trình phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hài hòa với phát triển văn hóa, con người, gìn giữ nền văn hóa giàu bản sắc; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hà cho biết: “Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 28/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk là “kim chỉ nam” để xây dựng, phát triển huyện Ea Kar trở thành thị xã. Vóc dáng đô thị Ea Kar đã dần được định hình, tập trung hoàn thiện khu trung tâm hành chính mới, quy hoạch nông thôn đối với các xã ngoại ô, khu đô thị Meyhomes - Ea Kar, cụm công nghiệp Ea Đar. Cùng với các dự án đã được chấp thuận đầu tư: Trang trại chăn nuôi lợn thịt Tasico, dự án thủy điện Ea Tih, Nhà máy chế biến trái cây Ea Đar với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án như chợ Trung tâm huyện Ea Kar, Khu du lịch sinh thái Ea Sô…

Mai đây, khi đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thông tuyến chạy qua, hồ chứa nước Krông Pách thượng hoàn thành, Ea Kar sẽ vươn mình, bật dậy những tiềm năng còn đắm vùi trong lòng đất, cải biến diện mạo đô thị, nông thôn tiến kịp những vùng quê trù phú, làm giàu trên chính đồng đất quê hương.

Có thể nhìn rõ trên vùng cao Ea Kar đang diễn ra “cuộc cách mạng” khơi dòng, hợp sức trí tuệ của đội ngũ cán bộ để chủ trương, nghị quyết được cụ thể hóa bằng thực tiễn. Tinh thần “Đổi mới, sáng tạo, hành động” được khởi xướng, cầm nhịp từ đội ngũ cán bộ với bao tâm huyết, thắp lên ngọn lửa sáng tạo, khơi lên khát vọng Ea Kar.

Bước đi, cách làm, tầm nhìn và khả năng lắng nghe của đội ngũ cán bộ đã mang lại bước tiến vững chắc cho Ea Kar. Với tư duy phát triển dài hạn, một mô hình quản trị chắc tay và đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, được trui rèn từ thực tiễn, dám làm vì dân, chắc chắn vùng đất Ea Kar sẽ trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông sản và phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại phía Đông của tỉnh Đắk Lắk./.

Bài, ảnh: Đình Tăng - Nguyễn Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực