Kon Tum: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đồng bào khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo

Thứ tư, 22/11/2023 09:45
(ĐCSVN) - Sau 2 năm triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Kon Tum từng bước thay đổi rõ rệt.
 Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum giúp đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới trồng, chăm sóc các loài cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum quản lý, bảo vệ đường biên giới dài 292,913 km, tiếp giáp với Lào (154,222 km) và Campuchia (138,691 km); gồm có 83 vị trí, 96 mốc quốc giới. Khu vực biên giới tỉnh có diện tích tự nhiên 4.331,44 km2; dân số 17.694 hộ/64.275 khẩu, có 24 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) là 13.377 hộ/49.629 khẩu, chiếm 75,6% sinh sống trên 99 thôn (làng) thuộc 13 xã của 04 huyện biên giới gồm: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội ở khu vực biên giới (KVBG) tỉnh Kon Tum đã có chuyển biến rõ rệt. Cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) cơ bản ổn định, Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung trên địa bàn tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS ở KVBG tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, chiếm 21,1%; trình độ dân trí thấp và không đồng đều, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của trên,...; ý thức, vai trò làm gương, đi đầu của một số ít cán bộ, công chức cấp xã, thôn chưa được phát huy; một số hủ tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ hoàn toàn; ANCT, TTATXH trên khu vực vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp; thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến khó lường, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây.

Cùng với trồng các loài cây có giá trị kinh tế, nhiều giống vật nuôi cũng được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum hướng dẫn để đồng bào phát triển, nâng cao thu nhập. 

Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp lãnh đạo; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; đặc biệt, các đơn vị BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trân Tổ quốc,... triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động bằng những mô hình, công trình, phần việc giúp dân cụ thể, thiết thực, phù hợp. Nhờ đó đã đem lại hiệu quả khá tích cực, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giữ vững ANCT, TTXH khu vực biên giới.

Theo lãnh đạo BĐPB tỉnh Kon Tum, trên cơ sở quán triệt và vận dụng linh hoạt các văn bản chỉ đạo của tỉnh và Đảng uỷ Bộ Tư lệnh BĐBP tỉnh, các đơn vị thuộc BĐPB tỉnh ở cơ sở đã triển khai thực hiện Cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể, sát thực với phương châm: “ba bám, bốn cùng”, “trọng dân, hiểu dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân” và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đồng thời coi trọng công tác tuyên truyền gắn với xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, công trình, phần việc giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định cuộc sống, củng cố, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, an toàn. Từ các mô hình, phần việc giúp dân để tuyên truyền chuyển đổi nhận thức, việc làm của Nhân dân, vừa để nhân rộng trong cộng đồng dân cư.

Các đơn vị cũng phối hợp với báo, đài địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí đứng chân trên địa bàn thường xuyên thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành, địa phương phối hợp thực hiện. Thông qua đó, giúp người dân hiểu, tích cực tham gia, nâng cao nhận thức và thay đổi suy nghĩ, hành động, cách làm để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Đặc biệt, nhiều mô hình, chương trình, phần việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả như: Mô hình “Phân công sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp người DTTS kết nghĩa giúp hộ người DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên KVBG”, “phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Hỗ trợ bò giống sinh sản cho người nghèo tại các xã biên giới”, “Nuôi heo lai rừng”, “Thôn đạo bình yên”, “Mỗi tuần làm sạch một thôn làng”; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường”; Dự án “Cán bộ chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”... qua đó đã tuyên truyền, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững trên chính đôi tay, mảnh đất của mình.

Hàng năm, thông qua Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, gắn với “Ngày hội bánh chưng xanh”, “Tết vì người nghèo”, “Ngày hội Biên phòng toàn dân” … BĐBP tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm tình thương”, triển khai các mô hình sinh kế: “Bò giống sinh sản”, trồng sâm dây, xây dựng nhà vệ sinh, tặng máy vi tính, xe đạp cho học sinh.

Các đơn vị cũng tổ chức tặng hàng trăm suất quà cho các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, gia đình chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các cá nhân tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới...

Các mô hình, cách làm trên luôn được tổ chức thường xuyên, gắn với việc hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, trồng trọt, chăn nuôi các loài cây, con có giá trị, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thói quen, tập quán của đồng bào. Từ những việc làm thiết thực này đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn biên giới.

 Với phương châm: “ba bám, bốn cùng", các chiến sĩ BĐBP tỉnh Kon Tum đã gắn bó, chia sẻ khó khăn, cùng đồng bào làm kinh tế.

Đến nay, qua 02 năm triển khai thực hiện, số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới tỉnh Kon Tum được tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và nội dung cơ bản của Cuộc vận động đạt 100%. Số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực phát triển kinh tế, tự vươn lên thoát nghèo bền vững, đạt 5,61%. Số hộ đồng bào DTTS tại địa bàn biên giới cam kết bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa mới đạt 98%. Số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tham gia hợp tác xã sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, biết chi tiêu hợp lý, tích lũy vốn tái sản xuất... đạt 26%. Số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, mức thu nhập cao hơn mức trung bình chung của người DTTS trong tỉnh đạt 30%; số hộ có nhà ở kiên cố, đạt 30%; số hộ có một số vật dụng thiết yếu như: ti vi, xe máy..., đạt trên 80%.

Có thể nói, những con số “biết nói” nêu trên đang tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng bởi từng ngày, từng giờ, tại đây, nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả của các cán bộ, chiến sĩ và cấp uỷ, đơn vị thuộc BĐBP tỉnh Kon Tum cũng như của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp tại các địa bàn KVBG tỉnh Kon Tum vẫn liên tục diễn ra, được người dân địa phương đón nhận, làm theo; qua đó từng bước tiếp tục làm chuyển đổi nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực