Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn
thắp hương tri ân trước anh linh các liệt sĩ tại Nghĩa trang Việt - Lào, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. (Ảnh:TH)
Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, nước ta có hàng triệu người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc... Thực hiện lời kêu gọi Đền ơn đáp nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 71 năm qua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan toả lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tích cực, chủ động tham gia. Với vô vàn việc nghĩa nở rộ, lan tỏa trên cả nước như các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa; đỡ đầu con em của thương binh, liệt sĩ; trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách; tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ...
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, có trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần còn có trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Hằng năm ngân sách trung ương chi trợ cấp, phụ cấp dành cho người có công trên 30.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho người có công, cả nước đã dành hơn 11 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho trên 400 nghìn gia đình. Trong 5 năm qua, cả nước đã tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 75.000 hài cốt liệt sĩ, trả lại danh tính cho trên 3.500 liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được kinh phí để xây mới trên 90.000 căn nhà và sửa chữa trên 75.000 căn nhà cho gia đình người có công….
Những con số “biết nói” trên đây cho thấy một nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người con đã ngã xuống hoặc đã bỏ lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường; cũng như sự tri ân với gia đình những người con ấy. Vẫn biết, mọi nỗ lực của chính quyền các cấp chỉ là nhằm xoa dịu nỗi đau của hàng trăm nghìn thậm chí hàng triệu gia đình có những người con hy sinh vì Đất Mẹ. Và sự khắc khoải ấy không dễ gì khỏa lấp bằng những đền bù vật chất nhưng những nỗ lực có thể sẻ chia là niềm động viên to lớn đối với những bà mẹ, những người vợ, người con của các liệt sĩ. Cũng vì vậy mà dù chiến tranh đã lùi xa khoảng 40 năm nhưng chúng ta vẫn không ngừng nỗ lực chính là bởi hiểu được sự khó khăn cả về tinh thần và vật chất mà gia đình của những người có công có thể đang gặp phải.
Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người có công với cách mạng vẫn chưa được xác nhận; số liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính còn nhiều; việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; một số nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ xuống cấp chưa được quan tâm tu bổ, tôn tạo; đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…
Là người đã từng đi qua chiến tranh, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, sự đóng góp của những người lính với tổ quốc là sự đóng góp vô tư, trung thành nhất cho nên hơn bao giờ hết những hy sinh cao cả đó chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu. Vì thế, theo ông Vũ Trọng Kim, một trong những yêu cầu quan trọng nhất hiện nay đối với việc thực hiện chính sách người có công là phải quán triệt đội ngũ những người làm chính sách từ trung ương tới cơ sở, nếu phát hiện vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách thì phải đi tới cùng sự việc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, "máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Thấm nhuần lời dạy đó, năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã đi thăm, tặng quà và thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nhiều nơi trên mọi miền tổ quốc. Trong những cuộc viếng thăm ấm áp chân tình ấy, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chính sách đối với người có công với cách mạng luôn là một chính sách đặc biệt, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự hy sinh xương máu của biết bao người.
Tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 diễn ra mới đây tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã một lần nữa đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; trọng tâm là thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”. Nhận thức sâu sắc việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước...
Có thể nói, đền ơn đáp nghĩa không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là một vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, xã hội, là một trong những vấn đề lớn gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy việc chăm sóc người có công đã không chỉ là trách nhiệm, lòng biết ơn mà còn là một nét đẹp, một truyền thống nhân văn của dân tộc./.