Lào Cai đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động

Thứ năm, 13/07/2023 21:01
(ĐCSVN) - Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm pháp luật, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động về công tác ATVSLĐ đã được nâng lên rõ rệt và được xác định là nhiệm vụ chung của cấp ủy, chính quyền, địa phương, doanh nghiệp và bản thân mỗi người lao động; công tác ATVSLĐ luôn là một yêu cầu, nhiệm vụ gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về ATVSLĐ được ban hành khá đầy đủ điển hình như: ngày 08/01/2016 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 08/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động 148-CT/TU của Tỉnh ủy về ATVSLĐ.

Từ khi có Chỉ thị 29 của Ban Bí thư, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản pháp luật về ATVSLĐ thường xuyên được quan tâm và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, thực hiện phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật và những quy định về ATVSLĐ của người lao động và người sử dụng lao động thường xuyên được nâng cao. Công nhân lao động được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân và được khám sức khỏe định kỳ. Các chế độ, chính sách cơ bản đều được bảo đảm và giải quyết kịp thời.

 Quan tâm tới sức khỏe của người lao động. Ảnh: Thanh Hiền

Công ty TNHH MTV xăng dầu Lào Cai là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ cháy nổ cao, do đó trong những năm qua đơn vị luôn chú trọng làm tốt công tác đảm bảo an ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN). Lãnh đạo công ty cho biết, để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, hàng năm, đơn vị đều lập kế hoạch bảo hộ lao động và kiện toàn Ban chỉ đạo về ATVSLĐ - PCCN do đồng chí Phó Giám đốc làm trưởng ban và phân công rõ trách nhiệm đối với từng cấp, từng chức danh quản lý; mạng lưới an toàn vệ sinh viên tích cực hoạt động phát huy hiệu quả phòng ngừa; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ của người lao động; 100% người lao động được trang bị bảo hộ theo đúng quy định, được khám sức khỏe định kỳ hàng năm, tham gia tập huấn các quy trình về ATVSLĐ trước khi vào làm việc và củng cố, cập nhật kiến thức thông qua các buổi tập huấn định kỳ. Chỉ tính riêng trong năm 2022, công ty đã chi hơn 5 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp kỹ thuật ATVSLĐ, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động…

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, các doanh nghiệp nhà nước và nhiều doanh nghiệp dân doanh đã thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ chuyên trách hoặc bán chuyên trách; xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động, sử dụng thiết bị, công nghệ mới, từng bước cơ giới hóa và tự động hóa nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; chấp hành chế độ tự kiểm tra ATVSLĐ, thực hiện thống kê, báo cáo định kỳ về ATVSLĐ, tai nạn lao động. Các chế độ, quyền lợi của người lao động về ATVSLĐ ngày càng được quan tâm như: huấn luyện ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ; thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, giảm thời giờ làm việc đối với lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có 91.786 lượt người lao động được huấn luyện ATVSLĐ, trong đó có 40.180 người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được cấp thẻ an toàn lao động; 13.716 lượt máy, thiết bị được kiểm định kỹ thuật an toàn và khai báo sử dụng; 135.589 lượt người lao động được khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Kinh phí thực hiện công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn là 699.225 triệu đồng. Các sở, ngành chức năng đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức 701 lớp tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ, PCCN, quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho 45.050 lượt người lao động, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ làm công tác ATVSLĐ và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Tình hình tai nạn lao động giảm rõ rệt so với giai đoạn 2004 - 2013, cụ thể: Số vụ tai nạn lao động giảm 32 vụ, số người bị tai nạn lao động giảm 56 người, trong đó: số người chết do tai nạn lao động giảm 02 người và số người bị tai nạn lao động bị thương nặng giảm 54 người.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số điểm cần lưu ý đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa thực sự quyết liệt, chưa thường xuyên, liên tục. Chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý về ATVSLĐ chưa cao. Công tác phối hợp trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, pháp luật lao động, ATVSLĐ. Nhận thức của một bộ phận người lao động về ATVSLĐ còn hạn chế, còn chủ quan, lơ là, nhất là người lao động ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp.

Trong thời gian tới cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, dự báo số lượng doanh nghiệp sẽ tăng nhanh, đến năm 2025 các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng khoảng 101.000 lao động, tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 30.000 lao động. Với đặc thù doanh nghiệp của tỉnh Lào Cai chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, ý thức chấp hành pháp luật của cả người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; biến đổi khí hậu; giá cả thị trường biến động lớn do cuộc xung đột Nga - Ukraina diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tình hình phát triển kinh tế xã hội sẽ là khó khăn, thách thức cho công tác quản lý về ATVSLĐ, đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động phối hợp chặt chẽ, chung tay hành động vì mục tiêu đảm bảo ATVSLĐ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đó là:

Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 29-CT/TW, Chương trình hành động 148-CTr/TU của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo có liên quan về ATVSLĐ đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.

Các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; triển khai đầy đủ, kịp thời Luật An toàn vệ sinh lao động đến các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và người lao động; tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về ATVSLĐ đối với cán bộ, công nhân viên chức trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác ATVSLĐ và người lao động trong các doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các thành phần kinh tế chủ động nắm bắt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chế độ, tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và cán bộ làm công tác ATVSLĐ.

Tổ chức Công đoàn các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động về chính sách lao động, ATVSLĐ; chủ động phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”.

Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị; khen thưởng kịp thời cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ; đồng thời xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Thực hiện công tác ATVSLĐ không chỉ mang lại lợi ích cho cả đôi bên, an toàn còn là động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững./.

Đỗ Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực