Mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở Bắc Kạn

Thứ hai, 18/12/2023 16:51
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Nhờ có sự gắn kết giữa người già với các lứa tuổi, lấy người cao tuổi làm nòng cốt, mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở Bắc Kạn đã thực sự phát huy hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng ủng hộ, đánh giá cao vì tính nhân văn sâu sắc, góp phần thiết thực chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò người cao tuổi trên mọi mặt đời sống xã hội ở địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, bà Chung Thị Biển, Phó Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh Bắc Kạn cho biết: Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 26 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLB) tại 8 huyện, thành phố, với gần 1.400 thành viên; trung bình mỗi CLB có 55 thành viên, trong đó chủ yếu là người từ 50 - 60 tuổi trở lên. Dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 40 CLB, mỗi huyện, thành phố thành lập mới ít nhất 5 CLB.

 Lễ ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn.

Các CLB trên địa bàn đã thường xuyên tổ chức luyện tập thể dục dưỡng sinh và thực hiện hoạt động thăm khám sức khỏe như: Đo huyết áp, cân nặng, kiểm tra tim mạch vào các buổi sinh hoạt định kì; mời cán bộ y tế thôn bản tổ chức truyền thông, tư vấn cho các thành viên về phòng, chống các bệnh thường gặp, cách tự chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi (NCT). Đối với hoạt động hỗ trợ đời sống tinh thần, các CLB đã xây dựng được 100% CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tạo sân chơi lành mạnh, không khí vui tươi, tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên NCT.

“Nhờ có sự gắn kết của người già với người các lứa tuổi, mô hình các CLB đã thực sự phát huy hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng ủng hộ vì tính nhân văn sâu sắc, góp phần thiết thực chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, phát huy vai trò NCT trên mọi mặt đời sống xã hội” – bà Biển nói.

Bà Hoàng Thị Mây, thành viên CLB liên thế hệ tự giúp nhau huyện Chợ Mới tâm sự: “Cái hay của mô hình này là có sự gắn kết của người già, người trẻ. Nếu như các CLB khác chỉ có NCT thường hoạt động rất khó khăn vì hạn chế về sức khỏe và khó huy động các phong trào xã hội hóa, thì ở đây CLB có lớp trẻ cùng tham gia nên mọi công việc đều dễ dàng hơn, NCT là những người tham mưu, góp ý kiến, đóng vai trò nòng cốt. Mặt khác, nhiều bạn trẻ cũng muốn qua mô hình CLB này để cha mẹ, người thân của mình được chăm sóc tốt hơn...”.

 Các thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ liên thế hệ giúp nhau phường Xuất Hóa, TP. Bắc Kạn.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, ở TP Bắc Kạn, bị bệnh tiểu đường và phải chạy thận nhân tạo trong nhiều năm nay, kinh tế gia đình trở nên khó khăn. Bà Phượng cho biết: “Tham gia sinh hoạt CLB liên thế hệ, hằng ngày tôi đều được các thành viên trong tổ tình nguyện đến động viên tinh thần, giúp việc nhà nên tôi cảm thấy rất vui, quên đi nỗi lo của bệnh tật. Mô hình CLB phường nói riêng, thành phố nói chung đã tiếp sức cho tôi thêm yêu cuộc sống này hơn”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay các CLB của Bắc Kạn đang tổ chức tốt các nội dung hoạt động như: Tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên; tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền - lợi ích; nâng cao nhận thức; kiến thức, truyền thông, chăm sóc đời sống tinh thần, văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi giao lưu, vận động nguồn lực. Điểm nổi bật nhất là mảng hoạt động tăng thu nhập thông qua Quỹ của CLB đã giúp nhiều NCT phát huy được vai trò tham gia phát triển kinh tế. Nguồn vốn của Quỹ đã được các CLB cho thành viên vay tối đa 5 triệu đồng/người, thời hạn không quá 2 năm với lãi suất từ 0,5%/năm.

 Một tiết mục văn nghệ do Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn biểu diễn.

Theo thống kê, hiện có khoảng 1.000 lượt thành viên trong các CLB của Bắc Kạn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh và hàng trăm hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đáng chú ý, các CLB đều có tình nguyện viên phát triển kinh tế, giúp tư vấn nâng cao nhận thức, kĩ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ cho các thành viên nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm, ở thôn Nà Diếu, xã Nông Thượng, huyện Pắc Nặm, 2 năm trước nhờ được vay 10 triệu đồng, cùng với nguồn vốn có sẵn của gia đình đã đầu tư mua chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, kết hợp nuôi cá, buôn bán nhỏ lẻ đã cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Mô hình chăn nuôi, trồng rừng của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Nà Diếu, xã Nông Thượng, huyện Pắc Nặm cũng cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Cạnh đó, trong những buổi sinh hoạt định kỳ, các CLB đã tổ chức truyền thông, phổ biến kiến thức, phương pháp tăng thu nhập như: Kĩ thuật chăn nuôi ếch trong chai Lavie, trồng nấm, làm giá đỗ trong ô nhựa, ghép mắt nhân rộng cây đu đủ hoặc ghép mắt bí đỏ, cây cà chua…để giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

“Mô hình các CLB từ khi thành lập đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, được đông đảo NCT địa phương quan tâm. Ban chủ nhiệm của các CLB được tham gia tập huấn về kiến thức tổ chức hoạt động kĩ năng, phương pháp quản lý; nhiệt tình và luôn luôn đoàn kết trong mọi hoạt động… Đây cũng là cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có tính lan tỏa xứng đáng để các địa phương khác tham khảo làm theo” - bà Chung Thị Biển, Phó Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm./.

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực