|
Lực lượng Cảnh sát giao thông ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT trên các tuyến giao thông (Ảnh Cục CSGT) |
Trong 10 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, tình hình TTATGT có những chuyển biến tích cực: ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, đặc biệt là số xe vi phạm quá tải trên 100% giảm mạnh, tình trạng xe “cơi nới” thành thùng gần như đã chấm dứt trên toàn quốc; học sinh, sinh viên đã có nhận thức và ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây mất TTATGT và trật tự xã hội trên đường thủy nội địa được đấu tranh, ngăn chặn. Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm TTXH trên các tuyến, địa bàn giao thông đường bô, đường sắt và đường thủy nội địa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước giai đoạn 2013- 2022. Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp. Từ năm 2012-2022, cả nước xảy ra 190.020 vụ, làm chết 76.439 người, bị thương 165.824 người; so với 10 năm trước: giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết, giảm 44% số người bị thương.
Bộ Công an đã phối hợp Uỷ ban ATGT Quốc gia phát động thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, tiến hành sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện phong trào để rút kinh nghiệm, chỉ đạo thực hiện nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT. Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về an toàn giao thông, thu hút sự tham gia của 300 nhạc sỹ dự thi. Tổ chức các Hội thi: tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và lái xe mô tô an toàn cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”; “An toàn cùng xe đạp điện, xe máy điện”; “Doremon với an toàn giao thông” ... đã thu hút được hơn 01 triệu học sinh, sinh viên tham gia; Liên hoan phim toàn quốc về ATGT với chủ đề “Đã uống rượu, bia, không lái xe”…
Công tác xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải được chú trọng kịp thời.Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch giao thông vận tải, kịp thời điều chỉnh theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, như: “Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộđến năm 2020”, “Điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, “Điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, “Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, “Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, “phê duyệt mạng lưới đường bô, đường sắt và quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã tăng cường chỉ đạo công tác đầu tư, nâng cao năng lực, trình đô, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực, trình độ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc ngày càng hiện đại, đồng bô; lực lượng chuyên trách làm công tác bảo đảm TTATGT được bố trí ở 04 cấp Công an ngày càng chính quy, hiện đại, đáp ứng và hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đã xây dựng và thường xuyên đào tạo, phổ biến, quán triệt, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT và các kỹ năng chỉ huy, điều khiển giao thông cho các lực lượng chuyên trách và hỗ trợ (Công an cấp xã, Bảo vệ dân phố, dân phòng, Thanh niên tình nguyện...) để nâng cao năng lực tham gia phối hợp bảo đảm TTATGT, trật tự văn minh đô thị.
Thông qua việc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW, cấp uỷ Đảng các cấp, các ngành đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hê thống chính trị; nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ đảng viên về công tác này được nâng cao, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, đảm bảo TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông trong toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ở một số địa phương và đảng bô, chi bộ cơ sở còn chậm; Công tác quản lý nhà nước về TTATGT trong một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu hiệu quả, chậm được khắc phục; Việc phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân
Tình trạng ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn vẫn diễn ra phổ biến, nhất là trong giờ cao điểm, ngày nghỉ lễ do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, nhiều trường hợp ùn tắc gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ của toàn xã hội, do đó công tác bảo đảm TTATGT phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, về mọi mặt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền. Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác đảm bảo TTATGT, trong đó, lực lượng Công an nhân dân và ngành Giao thông vận tải giữ vai trò nòng cốt, xung kích.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải sâu sát, nắm chắc tình hình; phân công, phân cấp bố trí lực lượng làm công tác đảm bảo TTATGT hợp lý, khoa học; thường xuyên trực tiếp kiểm tra, đôn đốc để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh những chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tế tình hình công tác đảm bảo TTATGT và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo TTATGT.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa với xử lý nghiêm minh. Trong công tác tuyên truyền cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật với giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông để tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân nói chung và người tham gia giao thông nói riêng, đây là một trong những yếu tố có tính chất quyết định đối với công tác bảo đảm TTATGT, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông. Vừa tuyên tuyền vừa tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác bảo đảm TTATGT, nhất là hoạt động tuần tra, kiểm soát và quản trị, điều hành giao thông, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, giảm bớt hoạt động tuần tra, kiếm soát trực tiếp của lực lượng chức năng, đảm bảo công khai, minh bạch, phòng ngừa sai phạm.
Trong thời gian tới, giao thông vận tải sẽ phát triển mạnh mẽ cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế, với nhiều loại hình, phương tiện giao thông tiếp tục gia tăng. Tình hình trật tự, an toàn giao thông sẽ có nhiều yếu tố mới phát sinh, phức tạp hơn. Các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy có xu hướng tăng. Tình hình đó, đặt ra yêu cầu đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông ngày càng khó khăn, nặng nề hơn. Thực tế đó cần tới những giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt để tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.