* Tại Thanh Hóa, mưa lớn tiếp tục kéo dài gây sạt lở, ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Tại huyện Mường Lát, mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi trên tuyến Quốc lộ 15, Quốc lộ 16 khiến giao thông từ miền xuôi lên trung tâm huyện Mường Lát và các xã tuyến trên bị chia cắt.
Tại xã Mường Chanh (huyện Mường Lát), mưa lũ lớn tràn về đã khiến nước suối Sim dâng cao ngập Tỉnh lộ 521E, chia cắt xã này với trung tâm huyện. Mưa lũ đã khiến 9 bản của xã Mường Chanh tạm thời bị cô lập. Toàn bộ 4 cầu tràn đi các khu dân cư bị ngập sâu hơn 1m, có những điểm nước chảy xiết, dâng cao so với bề mặt của đập tràn gần 2m.
|
Mưa lớn, nước lũ tràn về làm nhiều bản ở xã Mường Chanh bị cô lập tạm thời. (Ảnh: Báo Thanh Hoá) |
Lực lượng bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp 18 hộ dân sống dọc suối Sim đến hội trường UBND xã và nhà văn hóa thôn bản. Hiện nay, các lực lượng cũng đang vận động, tổ chức sơ tán tiếp 30 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét đến trú tránh tại nơi an toàn.
Ngoài ra, UBND xã Mường Chanh cũng đang duy trì 100% quân số thường trực, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống xấu. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.
* Tại tỉnh Nghệ An, sáng 22/9, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Thông Thụ cũng đã kịp thời sơ tán khẩn cấp người dân ở bản Mường Piệt (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) đến nơi an toàn, trước khi xảy ra sạt lở núi. Trong khi đó, tuyến đường huyết mạch từ trung tâm thị trấn đi xã Mường Típ và Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) bị 2 điểm sạt lở lớn đang gây chia cắt.
Theo báo cáo của huyện Con Cuông, tính đến sáng 22/9, mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 đã có 25 nhà ngập úng, 55 nhà nằm trong vùng sạt lở cao, 4 điểm trường bị sập bờ rào, sạt lở; hơn 275ha cây trồng bị thiệt hại (85ha lúa, 190ha mía, sắn); gần 1.300 con gia cầm, 26 con gia súc bị chết, cuốn trôi, nhiều công trình giao thông hư hỏng, xói lở… ước tính thiệt hại gần 9 tỷ đồng.
|
Di dời khẩn cấp 2 hộ dân do sạt lở đất ở Châu Khê, huyện Con Cuông. (Ảnh: congthuong.vn) |
Trên địa bàn huyện Tân Kỳ cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi. Tính đến thời điểm hiện nay, huyện đã yêu cầu các xã phải di dời 25 hộ dân đến nơi an toàn. Ông Phan Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết, mấy ngày mưa lớn vừa qua, địa bàn huyện xảy ra 5 điểm sạt lở núi, tại các xã Giai Xuân, Tân Hợp, thị trấn Tân Kỳ...
Tại huyện Anh Sơn, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện, mực nước lũ tại các sông, suối, tuyến đường, khu dân cư trong sáng 22/9 đã rút dần so với ngày 21/9. Một số tuyến đường người dân đã có thể qua lại.
Huyện Anh Sơn là một trong những địa phương thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ lần này. Tính đến sáng 22/9, huyện có 2 người thiệt mạng do mưa lũ, toàn huyện có 40 điểm sạt lở, hơn 100 hộ dân bị ngập nước, hư hỏng 3 cây cầu, hàng trăm héc ta cây trồng bị ngập nước, 500 con gia cầm bị cuốn trôi…
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có Công điện khẩn số 8176/UBND–NN, gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan yêu cầu tập trung triển khai công tác ứng phó mưa, lũ, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân trong thiên tai./.