Nâng cao chất lượng công tác dự báo phòng ngừa thiên tai

Thứ bảy, 30/05/2020 12:13
(ĐCSVN) - Dự báo các thiên tai như: Bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất... có khả năng tiếp tục xảy ra với diễn biến khó lường. Vì vậy, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo là một trong những giải pháp được ưu tiên hàng đầu.
 Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức diễn tập cơ chế vận hành hệ thống cảnh báo thiên tai trong tình huống có sóng thần (Ảnh: BT)

Bão, lũ diễn biến khó lường

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng. Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua.

Năm 2020 được dự báo sẽ là một trong những năm nóng hơn trung bình, kéo dài số năm nóng nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm. Nhiệt độ tăng cao sẽ kéo theo tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.

Ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như: Mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở nhiều tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm, thậm chí chưa từng xảy ra; hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên.

Nhận định chung cho thấy, năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước; mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là khu vực Trung Bộ. Dự báo khả năng có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Như vậy, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019.

Bên cạnh đó, năm 2020 là năm có nền nhiệt độ cao, với giá trị nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1,5 độ C ở khu vực phía Bắc đất nước; 0,1-1 độ C ở phần lãnh thổ phía Nam. Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa trên phạm vi toàn quốc. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5.

Đồng thời, lũ trên các sông ở Bắc Bộ và vùng hạ lưu các sông ở Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức Báo động 1 – Báo động 2. Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên và thượng lưu các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức Báo động 2-Báo động 3, một số sông trên Báo động 3. Trên các sông ở khu vực Tây Nguyên, mùa lũ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm.

Cùng với đó, ven biển Nam Bộ dự báo sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao vào các ngày 18-21/9, 15-19/10, 14-18/11 và 13-17/12 với độ cao triều cường có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10/2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng (gió Đông Bắc).

Cần nâng cao chất lượng công tác dự báo

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những thiên tai xảy ra vừa qua ở các tỉnh miền núi đều do hậu quả của bão lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...Các thiên tai này đều diễn ra ở phạm vi cực hẹp. Trong khi đó, việc dự báo các thiên tai ở phạm vi hẹp là điều rất khó khăn bởi ngoài những thông tin như: mưa, gió, ẩm, cần có thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư… Do vậy, cần có sự phối hợp rất chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, cần có những thông tin nền, chỉ dẫn cho địa phương nhận dạng được những biểu hiện, khả năng của lũ quét, sạt lở đất. Địa phương cần khai thác triệt để hệ thống phòng chống thiên tai, có thông tin hai chiều kịp thời từ địa bàn có nguy cơ cao và chính những người dân trong cộng đồng.

Việc nâng cao chất lượng công tác dự báo là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu để phòng, chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng công tác này, đó là đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tăng tính tự chủ của ngành, giảm sự phụ thuộc kinh phí Nhà nước để tăng cường hiệu quả đầu tư cho khí tượng thủy văn.

Theo tính toán của WMO và Ngân hàng Thế giới (WB): “Đầu tư 1 đồng cho khí tượng thủy văn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, từ việc giảm thiệt hại về kinh tế xấp xỉ 28-30 đồng”. Vì vậy, trong bối cảnh phát triển mới, thông tin, dữ liệu khí tượng, thủy văn với tính chất là dữ liệu đầu vào, tài nguyên số cho phát triển bền vững càng có vai trò, vị trí không thể thiếu. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần xem xét có đầu mối để theo dõi, đánh giá và tích hợp các vấn đề về thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong quá trình xây dựng, điều hành chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực nhằm phát triển bền vững và phòng chống thiên tai.

Cùng chung tay ứng phó với thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, cần thiết duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình để tham mưu đề xuất, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó sự cố, thiên tai. Tích cực phổ biến kiến thức về bão, lũ, lụt; lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá... đến mọi người dân nhằm nâng cao khả năng tự phòng, tránh.

Tăng cường hợp tác quốc tế và học tập kinh nghiệm của các nước trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn. Phối hợp ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai.

Mới đây, triển khai Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng chống thiên tai với các hình thức đa dạng, phương thức dễ hiểu phù hợp với từng địa phương, vùng miền nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng trên cơ sở các tài liệu đã được xây dựng và cung cấp. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý cấp bách các công trình phòng, chống thiên tai đê điều, hồ đập,...đã được Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí và có phương án đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Cùng với đó, hoàn thành xây dựng và củng cố các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã trong năm 2020./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực