Trong những năm qua, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An đang nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng nội dung chương trình phù hợp cho các lễ hội, nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong hệ thống các lễ hội của địa phương.
So với nhiều địa phương trên cả nước, Nghệ An được xem là một vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống, đây là một lợi thế giúp Nghệ An có thể khai thác loại hình du lịch lễ hội để thu hút du khách. Theo số liệu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2011 - 2021, toàn tỉnh Nghệ An có 78 lễ hội truyền thống, chủ yếu diễn ra ở các xã, thôn, làng, bản… với không gian, quy mô trong phạm vi hẹp. Trong đó có 9 di sản lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), Lễ hội đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lễ hội đền Thanh Liệt (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội đền Quả Sơn (huyện Đô Lương), Lễ hội đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương), Lễ Xăng khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An, Lễ hội đền Yên Lương (thị xã Cửa Lò) và Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (huyện Đô Lương).
Các lễ hội được tổ chức hàng năm theo một lịch trình, thời gian, không gian nhất định và trở thành ký ức của người dân, đồng thời là nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cộng đồng qua nhiều thế hệ từ đời này qua đời khác, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, tạo dấu ấn cho du khách.
|
Nhân dân và du khách thập phương về tham dự Lễ hội đền Cuông (huyện Diễn Châu) từ 12-16/2 âm lịch |
Trao đổi với cơ quan báo chí về các vấn đề trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội của các địa phương, ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết: Những năm qua, đặc biệt là kể từ khi Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ có hiệu lực, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Nghệ An đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự quản lý và hướng dẫn hoạt động của các cơ quan chuyên môn nên cơ bản các lễ hội ít xảy ra hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường văn hóa lễ hội. Các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội cơ bản đảm bảo các yêu cầu thuần phong mỹ tục, phù hợp với không gian văn hóa của lễ hội, góp phần tạo không khí vui tươi, sôi nổi.
Nhiều nghi lễ, phong tục tập quán truyền thống của người dân Nghệ An được thể hiện trong các lễ hội truyền thống, làm cho các lễ hội mang đậm dấu ấn vùng miền, trở thành nét đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân tham gia, thưởng ngoạn. Thông qua tổ chức lễ hội, tạo ra sự giao lưu về văn hóa, góp phần quảng bá về văn hóa truyền thống dân tộc, hình ảnh quê hương và con người Nghệ An.
Để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành Thông báo số 176/TB-SVHTT ngày 16/1/2024 về kế hoạch tổ chức các lễ hội trong năm 2024. Theo đó, năm 2024, toàn tỉnh sẽ có 27 lễ hội được đưa vào danh mục quản lý, trong đó, có 21 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân (tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch), còn lại diễn ra vào các thời điểm khác trong năm (từ tháng 4 đến tháng 10 Âm lịch). Các địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể của từng lễ hội đảm bảo tổ chức theo nguyên tắc quy định của pháp luật, đó là trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội”.
Để làm tốt công tác quản lý công tác lễ hội, theo ông Bùi Công Vinh, Sở Văn hóa và Thể thao cũng có các giải pháp sau: “Về lâu dài, ngành Văn hóa và Thể thao sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc truyền dạy thực hành các nghi thức tín ngưỡng cổ truyền để không bị mai một thất truyền; xây dựng các chương trình đề án nghiên cứu về lễ hội cổ truyền một cách bài bản, chuyên sâu làm cơ sở cho các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản lễ hội; chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ quản lý di tích, cán bộ tham mưu tổ chức lễ hội, nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở.”
Năm nay, các lễ hội cổ truyền của Nghệ An sẽ có nội dung cân đối hài hoà giữa phần lễ và phần hội. Linh hồn của lễ hội chính là các nghi lễ truyền thống bản địa, là hoạt động chính của lễ hội. Thông qua đó nêu cao tính gắn kết cộng đồng, nhu cầu hưởng thụ văn hoá và đặc biệt là thể hiện tình cảm của con người gửi gắm những ước vọng vào một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Cũng trong phần lễ sẽ toát lên những giá trị văn hóa cũng như bản sắc độc đáo, thông qua trang phục, văn cúng, các tục hèm trong các nghi thức như: Lễ Khai quang, lễ cáo Trung Thiên, lễ Yết, lễ Rước, lễ Đại tế, lễ tạ… là giá trị văn hóa phi vật thể. Đây chính là điểm nhấn của lễ hội trong năm nay, cũng là một cách để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.
|
Trò chơi dân gian “Vật cù” trong Lễ hội Đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương) |
Phần hội được các địa phương tổ chức đảm bảo văn minh, tiết kiệm. Các hoạt động dịch vụ được quản lý chặt chẽ. Đảm bảo an ninh, an toàn về mọi mặt cho du khách về dự lễ hội. Phần hội bao gồm các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, các trò chơi giân gian, hội trại…Trong đó các trò chơi dân gian được chú trọng như : Bắn nỏ, múa lân, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi, kéo co, đánh đu, đua thuyền, đấu vật, cờ người …
Lễ hội là môi trường bảo lưu các giá trị truyền thống ngàn năm của cha ông, được coi là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, cũng là một trong những môi trường giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc, là nhu cầu sinh hoạt tinh thần chính đáng của nhân dân. Do đó bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa trong lễ hội cổ truyền luôn hết sức cần thiết đối với tỉnh Nghệ An nói riêng, cũng như tất cả các địa phương khác trên mọi miền Tổ quốc./.