Chiều 5/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết, tình hình sạt lở đất vừa qua tại Tây Nguyên đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Điển hình là vụ sạt lở đất tại TP. Đà Lạt, tại đèo Bảo Lộc, rồi vấn đề an toàn hồ đập, sụt lún tại một số điểm tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.
|
Sạt lở đất là loại hình thiên tai nguy hiểm. (Ảnh: Nhất Phong) |
Về nguyên nhân, ông Lê Công Thành nêu rõ, những sườn đồi, sườn núi tự nhiên thì phong hóa đất đá xảy ra từ từ tạo nên sườn dốc tự nhiên, tuy nhiên, việc làm nhà, chuyển đổi cây trồng, làm thủy điện… đã khiến cấu trúc mặt đất thay đổi, dễ có nguy cơ sạt lở xảy ra khi mưa lớn.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra 3 hiện tượng có thể gây nên sạt lở đất để người dân có thể lưu ý và phòng tránh. Cụ thể: Xuất hiện những tiếng nổ lớn trong lòng đất; những vết nứt lớn xuất hiện; cây cối trên sườn đồi, sườn dốc nghiêng theo một hướng. Khi xuất hiện những hiện tượng này người dân và lực lượng tại địa phương tiếp tục theo dõi. Nếu có nguy cơ sạt lở đất lớn thì có thể di dời.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, các cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương đã có bản đồ, tài liệu về những điểm có nguy cơ cao. Lực lượng thanh niên xung kích phòng, chống thiên tai cũng đã được đào tạo để có thể rà soát trước những trận mưa lớn, những điểm, dấu hiệu để có thể cảnh báo cho người dân khi cần thiết. Về dự báo lượng mưa hiện nay, Cục Khí tượng thủy văn đã thực hiện dự báo với độ chi tiết đến từng ô 1x1km, trang thiết bị khoan trắc tự động, cảnh báo kịp thời.
“Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội thông qua, khi triển khai luật, chúng ta sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương. Đây là lực lượng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để cùng nhân dân và các cơ quan trên địa bàn theo dõi các vết nứt để cảnh báo sớm, tránh thiệt hại người, tài sản”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh thêm./.