Nguồn số liệu tin cậy phục vụ Đại hội Đảng các cấp

Thứ năm, 02/07/2020 09:40
(ĐCSVN) - Điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số cho thấy, sau 10 năm, tình hình KT-XH của cộng đồng các dân tộc thiểu số nước ta đã có những tiến bộ rõ rệt. Kết quả điều tra là nguồn số liệu tin cậy phục vụ cho việc đánh giá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (Điều tra 53 DTTS) thời điểm ngày 01/10/2019 được thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, do Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện.

Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng DTTS là 35,5%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với năm 2015 nhưng vẫn cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%).

Phạm vi điều tra được thực hiện tại 54 tỉnh, 503 huyện, 5.468 xã vùng DTTS và miền núi.

 Theo kết quả điều tra, tính đến thời điểm ngày 01/4/2019, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Sau 10 năm, từ năm 2009 đến năm 2019, quy mô dân số của 53 DTTS đã tăng gần 1,9 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 của 53DTTS là 1,42%, cao hơn tỷ lệ tăng bình quân của dân tộc Kinh (1,09%) và tỷ lệ tăng bình quân của cả nước (1,14%).

 Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng DTTS là 35,5%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với năm 2015; cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%).

 Năm 2019, 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS đã được tiếp cận điện. Trong đó, tỷ lệ thôn được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm tới 97,2%, tăng 4,2 điểm phần trăm so với năm 2015.  95,2% đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa. Gần 90% các thôn thuộc vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, cao hơn gần 17 điểm phần trăm so với năm 2015.

 Cơ bản các xã vùng DTTS đã có trạm y tế với tỷ lệ 99,5%, tương đương với kết quả điều tra năm 2015. Hầu hết các trạm y tế xã vùng DTTS được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; đạt tỷ lệ 99,6%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 2015. Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt 83,5%, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015. 83,5% thôn thuộc các xã vùng DTTS có nhân viên y tế thôn, bản.

 Cả nước có gần 21,6 nghìn trường học và 26,5 nghìn điểm trường vùng DTTS, tương ứng tăng hơn 3,8 nghìn trường và giảm 2,3 nghìn điểm trường so với năm 2015. Tỷ lệ trường học kiên cố đã đạt 91,3% (tăng 14,2 điểm phần trăm so với năm 2015.

 So với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người DTTS đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở cấp THPT với tỷ lệ đi học chung ở cấp này tăng 8,9 điểm phần trăm.

 Tuổi thọ trung bình của 53 DTTS là 70,7 tuổi, thấp hơn mức chung của cả nước (73,6 tuổi); nam là 68,0 tuổi và nữ là 73,7 tuổi. Dân tộc Hoa có tuổi thọ trung bình cao nhất (74,4 tuổi), dân tộc La Hủ có tuổi thọ trung bình thấp nhất (59,4 tuổi).

 Có 8,03 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ người DTTS tham gia lực lượng lao động là 83,3%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam DTTS cao hơn nữ DTTS 7,8 điểm phần trăm, của khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 12,9 điểm phần trăm.

 Tỷ lệ lực lượng lao động là người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên là 10,3%; thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với mức chung của cả nước (23,1%). Đây là hạn chế của lực lượng lao động là người DTTS trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động tạo thu nhập.

 Nhóm nghề “Lao động giản đơn” vẫn thu hút nhiều lao động DTTS nhất với tỷ lệ 68,6% và chủ yếu là trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (92,2% lao động giản đơn làm việc trong khu vực này). Tuy nhiên, so với năm 2015, tỷ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm 6,8 điểm phần trăm.

 Số lao động “Tự làm” và “Lao động gia đình” chiếm khoảng 3/4 tổng số lao động DTTS có việc làm; trong đó, “Lao động gia đình” không được trả công trả lương chiếm 38,8%. Người DTTS làm “Chủ cơ sở” chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,5%). Xem xét vị thế việc làm của các DTTS dưới 10.000 người cho thấy, đa số lao động có việc làm của các dân tộc này là “Lao động gia đình” không được trả lương, trả công và “Tự làm” - nhóm các công việc yếu thế, không ổn định và hầu hết không có bảo hiểm xã hội.

 Gần như toàn bộ các hộ DTTS đã có nhà ở (đạt 99,8%). Phần lớn các hộ DTTS đều sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, chiếm tỷ trọng 79,2%, thấp hơn 13,9 điểm phần trăm so với mức bình quân chung của cả nước (93,1%). Cả nước vẫn còn 20,8% hộ DTTS đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của các hộ DTTS là 16,9m2/người, thấp hơn 6,3m2/người so với mức bình quân chung của cả nước (23,2m2/người).

 Ti vi đã trở thành một loại thiết bị sinh hoạt phổ biến của các hộ DTTS với 81,5% hộ DTTS sử dụng. Tỷ lệ hộ DTTS có sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng là 92,5%, tăng 17,1 điểm phần trăm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop) là 10,3%, tăng 2,6 điểm phần trăm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ được tiếp cận Internet của đồng bào vùng DTTS đã được cải thiện đáng kể, chiếm 61,3% tổng số hộ DTTS, tăng 54,8 điểm phần trăm so với năm 2015. Các thiết bị phục vụ sinh hoạt cơ bản khác cũng được phần lớn hộ DTTS sử dụng và tăng đáng kể so với năm 2015. Tăng cao nhất là tỷ lệ hộ sử dụng tủ lạnh, tăng 22,3 điểm phần trăm; sử dụng điều hòa tăng 3,7 điểm phần trăm.

 Tỷ lệ hộ DTTS vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 là 19,7%. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp các hộ DTTS có nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo động lực để thoát nghèo.

 Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được tiến hành 5 năm một lần, với mục tiêu hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh về kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả của cuộc điều tra lần thứ hai, năm 2019 là nguồn số liệu tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương cũng như các địa phương vùng dân tộc thiểu số có những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2015 - 2020, làm cơ sở đánh giá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như Đại hội Đảng các cấp./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực