Nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 4.497 tỷ đồng

Thứ năm, 11/10/2018 17:08
(ĐCSVN) - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2016-2018.
Hội nghị nhấn mạnh tính hiệu quả cũng như khó khăn của Quỹ quốc gia việc làm hiện nay
(Ảnh: HNV)

Hội nghị diễn ra sáng 11/10 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Hội nghị lần này là cơ hội tốt để các đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia, các địa phương, doanh nghiệp và trực tiếp người hưởng lợi từ chính sách này cùng nhau đánh giá lại kết quả của hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nêu lên những hạn chế, khó khăn, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Đồng thời, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay hỗ trợ việc làm qua NHCSXH. Nhân dịp này, cũng phân tích, đánh giá biểu dương và nhân rộng một số mô hình dự án vay vốn hỗ trợ tạo việc làm hiệu quả từ Quỹ.

Những hộ vạy vốn hiệu quả từ nguồn Quỹ quốc gia việc làm qua NHCSXH
(Ảnh: NHCSXH)

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH, giai đoạn 2016-2018, doanh số cho vay hàng năm khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng, hỗ trợ việc làm cho khoảng 303.614 lao động (riêng 6 tháng đầu 2018, doanh số cho vay khoảng 2.500 tỷ đồng góp phần tạo việc làm cho 84.428 lao động, trong đó có 61.423 lao động nữ, 1.107 lao động khuyết tật và 4.502 lao động là người dân tộc thiểu số).

Cũng theo ông Lý, nếu tính cả nguồn vốn uỷ thác từ địa phương, nguồn huy động của NHCSXH, tính đến ngày 30/9/2018, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 14.599 tỷ đồng, doanh số cho vay giai đoạn 2016-2018 đạt 15.447 tỷ đồng với trên 487.000 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 546.000 lao động; hỗ trợ 11.123 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Tới đây, thị trường lao động ngày càng sôi động hơn, phát triển hơn, nhu cầu việc làm chất lượng hơn, khởi nghiệp của người lao động, nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng của các DNVVN... đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức với việc nâng cao hiệu quả và bảo đảm chất lượng hỗ trợ tín dụng của Nhà nước qua NHCSXH.

Đại biểu tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: HNV)

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu nêu ra hai kiến nghị về tăng mức kinh phí hỗ trợ cho vay và mở rộng đối tượng cho vay do nhu cầu của nguồn vốn này rất lớn, “nếu làm được như vậy, vấn đề việc làm ở các vùng nông thôn, nhất là vùng khó khăn của tỉnh Bạc Liêu sẽ được giải quyết hiệu quả triệt để” – ông Vũ nói.

Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ban tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác đề nghị, để chương trình trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Chính phủ hàng năm cần tăng cấp bổ sung ngân sách Nhà nước, bổ sung nhiều nguồn lực của xã hội (trong nước và ngoài nước) cho Quỹ quốc gia về việc làm, do nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm vì nhu cầu vay vốn tạo việc làm hiện nay rất lớn. Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh lãi suất vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm lên bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định; đồng thời nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, quy định: Doanh nghiệp tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải tài khoản tại NHCSXH để người lao động nộp tiền tuyển dụng trả cho doanh nghiệp vào tài khoản mở tại NHCSXH; biện pháp mạnh để xử lý đối với doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng đã ký với với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, chỉ đạo thu hồi nợ để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động cho vay; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư ... với hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm…/.

Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, ngày 11/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới, trong đó có quy định về thành lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay gọi là Quỹ quốc gia về việc làm) để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực