|
Ông Nguyễn Văn Thời trao đổi về những điểm nhấn trong hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: An Luých |
Phóng viên (PV): Xin Chủ tịch cho biết đặc điểm đạo Công giáo tại Thái Nguyên và nét riêng của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thời: Hiện nay tại tất cả các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Thái Nguyên đều có người Công giáo sinh sống với 30 nghìn giáo dân, 17 linh mục và nhiều chức việc, giáo lý viên. Nhưng về mặt Giáo hội thì người Công giạo tại Thái Nguyên lại theo sự hướng dẫn đời sống tôn giáo của Tòa Giám mục tại Bắc Ninh.
Người Công giáo chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với dân số, sinh sống rải rác trên địa bàn trải rộng, ít có xứ đạo nào toàn tòng; có giáo xứ như Phú Cường địa bàn trải rộng trên hai huyện Đại Từ và Định Hóa, cách xa Tòa Giám mục cả trăm cây số. Đặc điểm này là một khó khăn cho hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh khi triển khai các phong trào thi đua yêu nước sống tốt đời- đẹp đạo.
Về phần Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi là đơn vị được thành lập muộn nhất so với Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành hiện nay, nên kinh nghiệm cũng chưa được phong phú. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên chưa có ở cấp huyện, thành phố, thị xã (chưa có các Ban Đoàn kết Công giáo) dẫn đến những khó khăn và vất vả trong triển khai các hoạt động đến cơ sở. Sang nhiệm kỳ 2022-2027, chúng tôi sẽ nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể thành lập Ban Đoàn kết Công giáo tại huyện có đông đồng bào Công giáo sinh sống.
PV: Với những đặc điểm trên, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã làm thế nào để triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động thi đua yêu nước, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thời: Trước hết chúng tôi xác định, mỗi thành viên trong Ban Thường trực phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết mình để xây dựng và triển khai phong trào đến tận xứ, họ đạo.
Để khắc phục phần nào khó khăn từ việc chưa có tổ chức của mình ở cấp huyện, vừa qua chúng tôi đã phân công một số vị trong Ban Thường trực trực tiếp phụ trách một số địa bàn. Người phụ trách địa bàn có uy tín và từng gắn bó với cơ sở nên có thể gặp gỡ kết nối với linh mục, Ban hành giáo, giáo dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, từ đó tham mưu Ban Thường trực triển khai các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Chúng tôi cũng tranh thủ các ngày lễ trọng của Giáo hội để tổ chức các cuộc gặp, chúc mừng, chia sẻ thông tin, tình cảm và tăng cường mối quan hệ với các giáo xứ, giáo họ, qua đó giúp cho việc phối hợp triển khai các phong trào thi đua yêu nước sống tốt đời- đẹp đạo đến được với từng khu dân cư, từng gia đình.
Chúng tôi xác định, nội dung phong trào thi đua yêu nước phải được cụ thể hóa cách thiết thực, mang lại lợi ích cho cộng đoàn giáo dân, người dân nói chung thì sẽ được các linh mục phối hợp vào cuộc để lan tỏa phong trào tới từng gia đình giáo dân. Điều này đã được thể hiện qua phối hợp vận động giáo dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phòng chống COVID-19, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ gìn an ninh trật tự…
PV: Chủ tịch có thể chia sẻ về điểm nhấn trong hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo nhiệm kỳ 2016- 2021?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thời: Chúng tôi luôn xác định hiệp thông cùng Giáo hội để góp phần thăng tiến đời sống Đức Tin và thực hiện đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Đường hướng quan trọng này cũng được cụ thể hóa vào các phong trào, cuộc vận động để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, điển hình là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, người Công giáo đã tham gia đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, nguyên vật liệu, bàn giao mặt bằng làm đường giao thông và công trình phục vụ dân sinh. Bên cạnh đó nhiều giáo dân rất năng động trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia chương trình phối hợp bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh đã xây dựng được 22 mô hình “Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong đó có 11 mô hình phối hợp với các giáo họ.
Một điểm nhấn quan trọng, có thể nói là rất mới trong hoạt động của tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, đó là chúng tôi đã kiến tạo được những nhịp cầu để phản ánh, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng của tổ chức Công giáo trên cơ sở vừa tháo gỡ được điểm vướng vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho nhiều họ đạo về thủ tục công nhận tổ chức tôn giáo, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin giao đất xây dựng nhà thờ và cấp phép xây dựng công trình tôn giáo.
|
Nhà thờ giáo họ Tân Cường 3 vừa khánh thành và đưa vào phục vụ. Ảnh: An Luých |
PV: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thái Nguyên dù ra đời sau nhưng đang thực hiện tốt chức năng “cầu nối”, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến đất đai và xây dựng. Vậy Chủ tịch có thể nói rõ hơn việc này?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thời: Ngay sau Đại hội lần thứ nhất (năm 2016), chúng tôi đã sớm triển khai công tác nắm bắt nguyên vọng chính đáng của giáo xứ, giáo họ đối với lĩnh vực đất đai, xây dựng và nhận thấy, còn nhiều giáo họ chưa có đất nên các sinh hoạt, nghi lễ tôn giáo đang phải mượn nhà dân; một số giáo xứ, giáo họ đã có đất do lịch sử để lại nhưng chưa làm thủ tục theo quy định của pháp luật về giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…
Sau đó, chúng tôi chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát thực trạng tình hình sử dụng đất của các giáo xứ, giáo họ, báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, vận động các giáo xứ, giáo họ thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo; phối hợp giúp đỡ giáo họ trong quá trình làm thủ tục để được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Kết quả, vừa qua đã có thêm 3 giáo họ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 04 giáo họ đã được đưa vào quy hoạch đất tôn giáo, một giáo họ (giáo họ Hoàng Mai) đang chờ phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Có 7 cơ sở Công giáo giáo được cấp phép xây dựng mới, gồm các giáo họ: La Đao, Huống Trung, Tam Giang, Đình Cả, Yên Sơn, Tân Cường 3, Tân Thành (Bản Ngoại).
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh không có cơ sở thờ tự Công giáo nào xây dựng không phép. Theo tôi, đây là điểm sáng về chấp hành pháp luật của các giáo họ. Đây cũng là bước đột phá đầy nỗ lực của các cấp chính quyền trên cơ sở vừa tháo gỡ được vướng mắc vừa đảm bảo đúng chính sách, pháp luật về lĩnh vực đất đai và xây dựng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!