Nhơn Trạch (Đồng Nai) đi lên từ xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 21/06/2016 17:02
(ĐCSVN) – Nhờ sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, 5 năm trở lại đây, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…, nông thôn ở đây như được thay một màu áo mới.


Mô hình trồng rau sạch ở Nhơn Trạch (Nguồn: Báo Đồng Nai)

Từ tuyên truyền đến đồng thuận xây dựng nông thôn mới

Ngay sau khi tiếp nhận kế hoạch xây dựng nông thôn mới của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch đã xây dựng chương trình cụ thể, tổ chức một cách bài bản, có hệ thống, kịp thời tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tới tận thôn, ấp, mọi cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn huyện.

Các ngành chức năng và địa phương cũng kịp thời cập nhật, chuyển tải những thông tin về tiến độ thực hiện quy hoạch, đề án phát triển sản xuất, hiến đất, kinh nghiệm huy động các nguồn lực, chuyển đổi cơ cấu giống cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ngay từ những ngày đầu, công tác tuyên truyền đã làm cho người dân hiểu được những lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đây, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức , từ chỗ hiểu “xây dựng nông thôn là một dự án của Nhà nước” đến nhận thức “xây dựng nông thôn bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu”, xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại. Cán bộ, nhân dân đã cơ bản nhận thức rằng, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, từ đó có thể thực hiện nhanh chóng và bền vững các tiêu chí nông thôn mới theo quy định.

Ông Lê Thành Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được thực hiện một cách sâu rộng đến từng tổ dân, hộ gia đình với nhiều hình thức đa dạng. Theo đó, thu hút được cả doanh nghiệp và  đông đảo nông dân đóng góp.

Trong giai đoạn hậu nông thôn mới, địa phương vẫn đặt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Uỷ ban nhân dân các xã đều định kỳ 2 tuần/lần tổ chức ra quân phát động phong trào bảo vệ môi trường, trồng cây xanh trên địa bàn xã, tại các tuyến đường giao thông, khu công cộng; làm việc với các chủ xe đưa rước công nhân và các nhà máy sản xuất trên địa bàn huyện vận động không vứt rác bừa bãi, qua đây, hiện tượng vứt rác bừa bãi đã giảm rõ rệt, nhiều hộ gia đình có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường, tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, hoa cảnh tại khuôn viên, đầu ngõ.

Ông Lang Văn Út, Bí thư Đảng ủy xã Phú Hội tâm sự, do công tác tuyên truyền, vận động sát với thực tế cuộc sống của người dân, hợp lòng dân nên mọi người đã tự giác đồng tình, ủng hộ. Chính vì thế mà phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Phú Hội đã thực sự có sức hút rất lớn, mọi người, mọi nhà cùng tham gia, lấy sức dân là chính, người có đất hiến đất, người góp của, người bỏ công cùng làm nên các tuyến đường vào ngõ xóm đều được làm rất chắc chắn, chất lượng. Không chỉ bê tông hóa, nhựa hóa mở rộng các tuyến đường vào tận ngõ, xóm, các ấp trong toàn xã đều có các tuyến điểm sáng - xanh - sạch - đẹp, đường được trồng hoa, thắp sáng từ công sức đóng góp của dân và chính người dân bỏ công hàng ngày quét rác, dọn cỏ để các tuyến đường luôn sạch, đẹp.

Theo ông Lê Mạnh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, trong giai đoạn 2011-2015, Nhơn Trạch đã huy động gần 11 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn xã hội hóa chiếm tỷ lệ trên 77%. Đạt được điều này là nhờ ngay từ khi mới bắt đầu triển khai chương trình, huyện đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động để huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia phong trào.

Phát triển kinh tế là mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới

Là địa phương có 12 xã, trước đây thuần túy chỉ sản xuất nông nghiệp, qua quá trình xây dựng và phát triển, Nhơn Trạch hiện đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn. Với nhiều công trình, hạng mục được đầu tư xây dựng, tận dụng lợi thế giáp với thành phố Hồ Chí Minh, Nhơn Trạch đã được định hướng phát triển thành thành phố loại II đến năm 2020. Tuy nhiên Đảng bộ, chính quyền huyện Nhơn Trạch luôn đặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở vị trí chiến lược, là cơ sở để phát triển bền vững. Cùng với đó là xác định đầu tư cho hạ tầng, như điện, giao thông, trường học, y tế, thông tin liên lạc... là yếu tố quan trọng để đổi mới bộ mặt nông thôn và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân, huyện đã bằng nhiều giải pháp tích cực huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa.

Thời gian qua, về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, Nhơn Trạch có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh. Trong đó, địa phương chú trọng đầu tư vào nhóm cây trồng, vật nuôi chính, chủ lực và phù hợp với định hướng phát triển đô thị ít chiếm diện tích đất nhưng đạt năng suất, hiệu quả cao. Địa phương này đã chuyển đổi dần một số diện tích trồng lúa, hoa màu đang sang sản xuất nông nghiệp đô thị, như: hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh, giá trị sản xuất đạt 115 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có một số diện tích cây trồng có giá trị thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, như trồng hoa lan, trồng dưa lưới trong nhà màng..., từ đó, đời sống dân cư nông thôn ở Nhơn Trạch đã có bước cải thiện rõ nét với thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Lê Mạnh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, từ năm 2011 đến nay, huyện đã đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa trên 100 km đường; 100% các tuyến đường huyện, xã quản lý, đường trục ấp, ngõ xóm, đường nội đồng đều đạt chuẩn. Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín đến các khu dân cư, khu sản xuất tập trung của các xã. Tỷ lệ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt tỷ lệ trên 99,8%. Hệ thống trường học, y tế không ngừng được đầu tư, củng cố. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp các xã trên địa bàn. Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp trên 16 nghìn căn nhà, căn hộ. Ngoài ra, Ban vận động vì người nghèo huyện, xã đã vận động xây dựng, sửa chữa 325 căn nhà tình thương cho người nghèo. Toàn huyện Nhơn Trạch hiện có 10/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã còn lại đều đạt từ 17-18 tiêu chí. Gắn với phát triển thành phố mới Nhơn Trạch, huyện đang tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng phục vụ phát triển đô thị và mang tính sản xuất hàng hóa.

Thời gian qua, nhiều địa phương trở thành điểm sáng của Nhơn Trạch trong xây dựng nông thôn mới. Đó là xã Long Thọ, đây là xã điểm của huyện Nhơn Trạch trong xây dựng nông thôn mới và cũng là địa phương đầu tiên của huyện về đích trong xây dựng nông thôn mới khi từ năm 2013. Không dừng lại, xã vẫn đang tiếp tục nỗ lực để trở thành lá cờ đầu trong phong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2013, Long Thọ đạt chuẩn xã nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người là 28,3 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng lên đạt mức 38,5 triệu đồng/người/năm.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, huyện Nhơn Trạch là 1 trong 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai, chiếm 21,7% tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới của cả nước và tiếp tục là ngọn cờ đầu của cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới; tiếp tục rà soát, nâng cấp chất lượng từng tiêu chí, nhất là các tiêu chí như: thu nhập, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường, cảnh quan xanh- sạch- đẹp và có nhiều đóng góp hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững, tiếp tục giữ vững là ngọn cờ đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2021./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực