Từ thực tế này, thực hiện Công văn 258 của Ban Thường vụ Huyện ủy, gần 5.000 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Cư M’gar đã tình nguyện tiết kiệm 1.000 đồng/người/ngày để hỗ trợ xây dựng nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đây chính là một hoạt động cụ thể hóa Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Căn nhà được xây từ Quỹ "1.000 đồng" ở Cư M’gar. (Ảnh: Thế Thắng)
Sở dĩ là 1.000 đồng chứ không phải nhiều hơn bởi đời sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức huyện cũng còn nhiều khó khăn. Số tiền 1.000 đồng/ngày dễ dàng thuyết phục được mọi người tham gia nhưng nếu tính theo tháng, theo năm cũng không hề nhỏ. Nhiều cán bộ, đảng viên có điều kiện hơn tình nguyện góp thêm người 50.000 đồng, người 100.000 đồng/tháng.
Qua gần 5 năm triển khai, trên 06 tỷ đồng đã được huyện huy động là nguồn lực để xây mới 157 nhà “Đại đoàn kết”, bình quân mỗi căn được hỗ trợ từ 30 – 40 triệu đồng. Huyện còn hỗ trợ gần 600 triệu đồng cùng các nguồn vốn khác xây dựng, sửa chữa được 106 nhà cho người nghèo, gia đình chính sách.
Gia đình cụ Mạc Văn Thình, thôn 2A, xã Cư M’nang là một trong những hộ được hỗ trợ sớm nhất để làm nhà từ số tiền tiết kiệm ý nghĩa này. Bước qua tuổi 90 nhưng hai cụ cùng 3 người con tật nguyền vẫn phải sống trong căn nhà dột nát, miếng cơm cũng phải lo từng bữa nên việc có được căn nhà dù nhỏ bé nhưng “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu” quả thật vượt quá tầm tay. Vì vậy, việc được hỗ trợ xây căn nhà rộng 50m2 từ nguồn quỹ tiết kiệm 1.000 đồng đã giúp cụ và gia đình thực sự có được mái ấm.
Cũng thực hiện tiết kiệm 1.000 đồng/ngày, chi bộ, ban tự quản thôn Phú Phong, xã Ea Đrơng đã vận động được 100% các hộ dân tích lũy để làm đường giao thông nông thôn, giúp thay đổi cảnh quan, người dân đi lại thuận tiện hơn, việc sản xuất, kinh doanh cũng thuận lợi hơn.
Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng chung tay cùng huyện nhà giúp đỡ những gia đình nghèo xóa nhà tạm, nhiều đơn vị trên địa bàn huyện Cư M’gar đã triển khai mô hình tiết kiệm “Nuôi heo đất”. Riêng xã Quảng Hiệp đã vận động tiết kiệm “nuôi” được 730 con heo đất với tổng số tiền trên 300 triệu đồng dành để xây, sửa 17 căn nhà. Thị trấn Quảng Phú dù huy động được trên 985 triệu đồng từ quỹ vì người nghèo để xóa nhà dột nát, tạm bợ, vẫn vận động “nuôi” được 30 con heo đất giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Nhiều công trình dân sinh trên địa bàn huyện được xây dựng từ nguồn quỹ tiết kiệm của người dân. (Ảnh: Minh Châu)
Cũng nhờ những “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Nuôi heo đất” tiết kiệm của các hội viên, phụ nữ mà 5 năm qua, trên 17 tấn gạo, cùng 536 triệu đồng đã được dành để hỗ trợ 992 lượt hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 13 trẻ mồ côi trên địa bàn huyện. 22 “Mái ấm tình thương”, nhà “Đại đoàn kết”, nhà tình nghĩa cũng được xây dựng cùng những suất quà cho phụ nữ neo đơn, những cuốn vở, tập viết, suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó. Các tổ nhóm tiết kiệm cũng đã dành dụm được hơn 17 tỷ đồng giúp cho 3.000 chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Cùng với phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, với tinh thần khơi dậy lòng yêu quê hương, cống hiến xây dựng quê hương bằng những việc làm cụ thể, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Cư M’gar đã được gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân góp tiền, góp sức, hiến đất làm đường, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, mắc điện thắp sáng đường quê.
Trong 5 năm, nhân dân các dân tộc trong huyện đã góp trên 24,4 tỷ đồng, hiến trên 30 nghìn m2 đất và trên 32 nghìn ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Phải kể đến những cá nhân tiêu biểu như ông Phan Trọng Hồng, thôn 4A, xã Ea M’nang, hiến 600m2 đất, phá bỏ 60 trụ tiêu, 40 cây cà phê kinh doanh; ông Lê Ngọc Tuấn, thôn 7, xã Ea M’nang hiến 500m2 đất làm đường giao thông; nhân dân các thôn 2, 4, 6, 7, buôn Kna A, xã Cư M’gar góp trên 600 triệu đồng, hiến 2.500m2 đất xây hội trường, tu sửa trên 300m đường… Đến nay, Cư M’gar đã có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí; 04 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 08 xã đạt 10 – 14 tiêu chí nông thôn mới.
Nhiều hộ gia đình trong huyện cũng cam kết thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, việc lễ. Riêng xã Ea Kpam, 1.745 hộ gia đình đã cam kết thực hiện. Cùng với Ea Kpam, nhân dân hai xã Quảng Tiến, Ea M’nang cũng đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng từ việc hạn chế sử dụng thuốc lá trong tiệc cưới, rải tiền, vàng mã, lãng phí trong xây cất mồ mả…
Mỗi người một hành động, một việc làm tiết kiệm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cư M’gar đã làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực mà kết quả đã được ghi dấu bằng những con đường mới, những mái ấm khang trang, những đổi thay tích cực trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc huyện Cư M’gar./.