Nỗi đau từ “cái chết trắng”

Thứ tư, 05/06/2019 20:23
(ĐCSVN)- Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng vì sự bình yên của Tổ quốc hằng ngày chúng ta vẫn đau xót trước những tấm gương hy sinh của các chiến sĩ công an, bộ đội trong đấu tranh chống lại tội phạm ma túy.

Có thể nói, ma túy đang từng giờ, từng ngày len lỏi vào giới trẻ, các gia đình, nhà trường... và nếu chúng ta có biện pháp quyết liệt chấm dứt được hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy thì hậu quả của nó gây ra càng lớn. Ma túy sẽ hủy hoại xã hội, hủy hoại tuổi trẻ, hủy hoại hàng vạn gia đình, hủy hoại cả tình mẫu tử…

Ngày 3/5/2019 khi cùng đồng đội tham gia trấn áp và truy quét tội phạm ở địa bàn xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Thiếu tá Vi Văn Nhất - cán bộ thuộc Đội Đặc nhiệm, phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã anh dũng hy sinh, cùng 2 đồng đội nữa bị thương nặng. Đây là một vụ án cho thấy vì lợi nhuận siêu khủng mà tội phạm ma túy ngày càng manh động, được trang bị vũ khí và sẵn sàng nổ súng vào lực lượng khi bị phát hiện và truy bắt.

Đồng chí Vi Văn Nhất hy sinh khi truy bắt tội phạm ma túy đã để lại nỗi đau lớn cho gia đình, bạn bè, quân đội và quần chúng nhân dân. Những ai có mặt trong đám tang của anh Nhất đều rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh người vợ ngất lên ngất xuống bên quan tài chồng mình và ánh mắt ngây thơ của hai đứa con khi chưa biết vì sự bình yên của Tổ quốc để rồi các em sẽ không còn được gặp người cha của mình nữa. Đến đây, một lần nữa dư luận xã hội phẫn nộ, lên tiếng với tội ác của tội phạm ma túy gây ra. Để lại cho chúng ta bài học trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cần phải quyết liệt hơn nữa.


Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa viếng và chia buồn, tiễn đưa thiếu tá Vi Văn Nhất về nơi an nghỉ cuối cùng – Ảnh: MINH HẢI

Theo báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thời gian qua của Bộ Công an cho biết đã tập trung trấn áp, tiêu diệt nhiều tối tượng nguy hiểm cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy ở các điểm nóng trên toàn quốc trả lại bình yên cho nhân dân. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an đã phát hiện 10.246 vụ, 11.731 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 301,31kg heroin, 3.272,20kg và 437.334 viên ma túy tổng hợp, 259,61kg cần sa và hàng nghìn dụng cụ hỗ trợ khác… có nghịch lý ở đây đó là số vụ bắt giữ liên quan đến ma túy giảm nhưng lượng ma túy thu được lớn nhất từ trước tới nay trong đó lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục. Điều đó cho thấy tội phạm này ngày càng liều lĩnh và manh động…

Đề cập vì sao nạn buôn bán ma túy và tội phạm ma túy ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp, nhiều nguyên nhân đã được đưa ra trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan đó là Việt Nam chúng ta có vị trí gần với trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới đó là trục “Tam giác vàng”; chúng ta có đường biên giới trên bộ dài 4.639 km, địa hình phức tạp chủ yếu là rừng rậm, nhiều núi cao thuận lợi cho tội phạm tội phạm ma túy hoạt động. Những khó khăn về mặt lực lượng kiểm soát đường biên giới mỏng. Do đó, chỉ kiểm soát được các cửa khẩu, phạm vi đồn nhiều nơi không thể kiểm soát hết. Do lợi nhuận từ buôn bán ma túy rất lớn nên tội phạm ma túy bất chấp tất cả để đưa ma túy từ bên ngoài biên giới vào nội địa cung cấp cho các đối tượng. Về nguyên nhân chủ quan đó là số lượng người nghiện ma túy ở Việt Nam chúng ta ngày càng tăng kéo theo nhu cầu sử dụng ma túy rất lớn; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật phòng, chống ma túy của các đoàn thể chính trị xã hội mặc dù đã được tăng cường nhưng thiếu sự phối hợp, chưa phân công cụ thể dẫn đến tình trạng tổ chức chưa thường xuyên; nhiều nơi chưa huy động nhiều nguồn lực đặc biệt là nhân dân trong phòng, chống và tố giác tội phạm về ma túy…

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, và các giải pháp đồng bộ trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm liên quan đến ma túy, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được nạn buôn bán ma túy và tội phạm ma túy. Để Việt Nam không trở thành điểm trung chuyển ma túy của thế giới như lo lắng của nhiều đại biểu quốc hội và nhân dân. Trước hết, chúng ta phải có các biện pháp triệt để, kiên quyết. Theo đó, phải giải quyết vấn đề căn cốt đó là các biện pháp xử lý người nghiện ma túy. Chỉ có giải quyết được vấn đề này mới chấm dứt được các hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy. Bởi vì, nếu không có người nghiện ma túy thì sẽ không có hoạt động sản xuất, buôn bán ma túy. Về mặt pháp luật chúng ta cần nghiên cứu, khôi phục tội danh đối với hành vi sử dụng ma túy là tội phạm ma túy để răn đe người nghiện ma túy.

Ngoài ra, cần phải thay đổi nhận thức về trách nhiệm ở đây không chỉ là của ngành công an mà là của cả hệ thống chính trị, của từng gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đó, đối với gia đình nhất là các bậc làm cha làm mẹ cần dành nhiều thời gian hơn trong chăm sóc con cái, tránh vì mải mê làm ăn quên đi giáo dục con cái, không quản lý được các mối quan hệ xã hội dẫn đến con cái nghiện ngập. Về phía nhà trường cần tuyên truyền giáo dục cho học sinh biết các tác hại của ma túy đến sức khỏe, việc học tập của bản thân. Đối với các địa phương cần làm tốt công tác quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng sau khi trở về địa phương Có chính sách tạo công ăn việc làm cho người nghiện ma túy. Tránh hiện tượng kỳ thị, phân biệt đối xử làm người nghiện thấy mặc cảm, dẫn đến thiếu niềm tin dễ trở lại con đường nghiện ngập.

Đấu tranh với nạn buôn bán ma túy và tội phạm ma túy là việc cấp bách, khẩn trương, cần thực hiện một cách triệt để và không có bất cứ sự khoan nhượng nào để không còn những nỗi đau từ “cái chết trắng” gây ra cho gia đình và xã hội./.

Võ Đông

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực