(ĐCSVN) - Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các sản phẩm gia súc, gia cầm bắt đầu từ khâu giết mổ đang ở trong tình trạng báo động. Thống kê năm 2010 cho thấy, có tới 61% sản phẩm gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh, chủ yếu là do nhiễm khuẩn Coliform, E.coli và Salmonella.
|
Việc giết mổ gia súc, gia cầm đang ở tình trạng mất vệ sinh đến mức báo động (Ảnh minh họa: Internet) |
61% sản phẩm gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cả nước có trên 29.000 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, số điểm, cơ sở giết mổ được kiểm soát chỉ có gần 8.000 cơ sở (chiếm 27%), 73% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát.
Cục Thú y cũng đánh giá, các tỉnh phía Nam thực hiện quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo VSATTP tốt hơn nhiều so với các tỉnh phía Bắc. Qua thống kê cho thấy, các tỉnh phía Nam có 760 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (chiếm tỷ lệ 2,6% toàn bộ hệ thống giết mổ) nhưng lượng gia súc, gia cầm được giết mổ tại cơ sở này chiếm tới 50% trong cả nước. Số điểm giết mổ nhỏ lẻ là 3.701 tuy nhiên tỷ lệ cơ sở, điểm giết mổ được kiểm soát giết mổ chiếm 67,59%. Còn tại miền Bắc mới chỉ có 4.230 trên tổng số 23.805 cơ sở, điểm giết mổ được kiểm soát giết mổ (chiếm 17,77%).
Điều này dẫn đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các sản phẩm gia súc, gia cầm bắt đầu từ khâu giết mổ đang ở trong tình trạng báo động.
Trong năm 2009-2010, các đơn vị của Cục Thú y đã tổ chức kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên…Kết quả cho thấy, so với năm 2009, số mẫu thịt gia súc, gia cầm được kiểm tra của năm 2010 có tỷ lệ không đạt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cao hơn, tập trung chủ yếu ở khu vực chợ. Cụ thể, trong năm 2009, tỷ lệ số mẫu thịt không đạt vệ sinh là 57%, nhưng sang năm 2010 tỷ lệ này là 61%.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về thực trạng hệ thống giết mổ và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm được tổ chức ngày 17/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói rằng, cứ 10 con lợn, gà được giết mổ mang ra chợ thì có 6 con không đạt yêu cầu vệ sinh, trong đó, chủ yếu là nhiễm khuẩn Coliform, E.coli và Salmonella.
Điều đó cho thấy, ngoài việc cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y thì việc vận chuyển sản phẩm sau giết mổ bằng các phương tiện không được đóng kín (xe gắn máy, xe ba gác...) là không đảm bảo vệ sinh, lại gây mất mỹ quan. Bên cạnh đó là thói quen và ý thức về vệ sinh ở các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ còn kém, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chủ yếu là không bao gói, không có phương tiện bảo quản lạnh, dụng cụ bày bán không đảm bảo vệ sinh thú y đã dẫn đến việc ô nhiễm sản phẩm sau khi giết mổ.
Chấn chỉnh hoat động giết mổ gia súc, gia cầm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc giết mổ đảm bảo vệ sinh liên quan đến sức khỏe của hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước, vì vậy tất cả các tỉnh phải chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho nhân dân.
Tuy nhiên, theo Cục Thú y, hiện mới có 32 tỉnh, thành được phê duyệt Đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm (trong đó 24 tỉnh, thành đã và đang triển khai); 20 đang xây dựng và còn 11 tỉnh, thành chưa xây dựng Đề án.
Bộ này đề nghị UBND các tỉnh chưa xây dựng Đề án cần sớm chỉ đạo cơ quan liên quan tiến hành việc xây dựng quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các địa phương đang xây dựng Đề án cần khẩn trương hoàn thành Đề án trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.
Cục Thú y cho biết, trong thời gian tới, Cục này sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; thông báo công khai trên trang web của Cục và Bộ NN&PTNT danh sách các cơ sở đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm./.