Chiều 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phát biểu ý kiến, các đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với các cơ sở chính trị - pháp lý, thực tiễn được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các nội dung trong dự thảo luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo
Quan tâm việc quảng cáo trên mạng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cơ bản đồng tình với việc dự thảo luật bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn các hoạt động quảng cáo trên mạng; việc tuân thủ các quy định khi quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo …. Tuy nhiên, đối với vấn đề quảng cáo trên mạng, đại biểu bày tỏ còn băn khoăn.
|
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn tỉnh Quảng Bình) |
Theo đại biểu, hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử có kết nối Internet tất cả mọi lứa tuổi đều sử dụng, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi.
Nhấn mạnh điều này, đại biểu băn khoăn với việc dự thảo luật chỉ quy định “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.
“Thiết nghĩ, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn” - đại biểu nói. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.
Bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong quảng cáo
Cũng đề cập đến việc bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh, trẻ em đang ngày càng phải đối mặt với những hình thức quảng cáo tinh vi và xâm nhập, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các em. "Trong kỷ nguyên số, trẻ em đang phải đối mặt với một "đại dương" quảng cáo khổng lồ. Các thuật toán thông minh không ngừng phân tích hành vi của trẻ để đưa ra những quảng cáo cá nhân hóa, vô hình trung tạo ra một áp lực lớn lên tâm lý của các em" - đại biểu phát biểu.
|
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) |
Đại biểu chỉ rõ, các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc quá sớm và thường xuyên với quảng cáo có thể dẫn đến các vấn đề như tiêu dùng bốc đồng, hình thành những chuẩn mực không lành mạnh về vẻ đẹp và thành công, thậm chí gây ra các rối loạn tâm lý.
Theo đại biểu, để bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ, cần có những hành động quyết liệt hơn. Mặc dù đã có những quy định rõ ràng, việc bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn. Một số vấn đề đáng chú ý hiện nay như: Quảng cáo trên mạng xã hội rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt là các quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thống. Các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em, đôi khi vượt qua giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của quảng cáo đối với trẻ em, dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về "quảng cáo nhắm vào trẻ em", bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và gián tiếp. Đồng thời chi tiết hóa các quy định về nội dung, hình thức quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới./.