Phát huy đạo đức, văn hóa Công giáo vào bảo vệ môi trường

Thứ ba, 29/10/2024 13:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Các mô hình bảo vệ môi trường đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của linh mục, cộng đồng Công giáo tại Hà Nội. Mỗi mô hình là một sắc màu riêng, tạo nên bức tranh sinh động về hoạt động bảo vệ môi trường. Đó là nội dung chia sẻ của TS.Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP.Hà Nội với phóng viên, nhân dịp sơ kết 5 năm triển khai xây dựng 2 mô hình xứ, họ đạo bảo vệ môi trường.

Phóng viên (PV): Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHà Nội vừa sơ kết 5 năm xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” và mô hình “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, xin ông cho biết tại sao lại có hai mô hình này?

TS. Phạm Huy Thông: Thực hiện lời mời gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất trong Thông điệp “Laudato Si” của Đức Giáo hoàng Phanxicô và nội dung cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tôn giáo (trong đó có Hội đồng Giám mục Việt Nam) với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ năm 2019, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nội đã phát động phong trào “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại 42 xứ đạo toàn tòng (100% dân cư là người Công giáo). Sau đó, để lan tỏa hơn nữa, chúng tôi đã triển khai xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, mô hình này dành cho các xứ, họ đạo mà địa bàn dân cư gồm cả người Công giáo và người không cùng Công giáo sinh sống.

  TS. Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP. Hà Nội.

Như vậy hai mô hình trên đều cùng chung mục đích là cùng nhau bảo vệ môi trường, phát huy các giáo huấn Công giáo về bảo vệ môi sinh và các quy định bảo vệ môi trường của Nhà nước ta vào đời sống thực tế. Nhưng để phù hợp với từng địa bàn khác nhau và để tăng cường đoàn kết lương - giáo, cùng nhau chung tay vì môi trường, chúng tôi đã xây dựng hai mô hình như vừa nói ở trên. Đây cũng là cách cụ thể hóa Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã được ký kết giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam.

PV: Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật về thực hiện hai mô hình bảo vệ môi trường nói trên?

TS. Phạm Huy Thông: Qua 5 năm triển khai hai mô hình trên, đến nay đã có 84 mô hình bảo vệ môi trường. Mỗi mô hình là một sắc màu riêng, tạo nên bức tranh sinh động về công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng người Công giáo Thủ đô.

Điển hình như tại xứ đạo Sơn Miêng (huyện Ứng Hòa), Linh mục Bùi Ngọc Tuấn tổ chức cuộc thi vẽ tranh về bảo vệ môi trường. Có 200 bức họa được gửi về Ban tổ chức và cha xứ đã trao giải cho 9 cá nhân có tác phẩm xuất sắc. Những bức tranh đoạt giải được nhân bản để trình bày trên các con đường “bích họa” trong làng.

Ở giáo xứ Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), một địa bàn bán sơn địa, dân cư ở đây có thói quen vứt rác vô cơ ra đường. Các cơ quan chức năng của thị xã cùng với giáo xứ vận động bà con bỏ rác vào thùng; địa phương cùng giáo xứ mua 100 thùng rác đặt ở từng ngõ, đặt quanh khu vực nhà thờ. Buổi lễ phát động bảo vệ môi trường diễn ra ngay tại sân nhà xứ của xứ đạo với rất đông giáo dân tham dự và hưởng ứng.

Xứ đạo Trại Vàng (huyện Quốc Oai) thành lập 10 nhóm tự quản bảo vệ môi trường, mỗi nhóm do một vị trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ phụ trách. Bà con giáo dân tự nguyện đóng góp mỗi người 100  nghìn đồng/năm làm quỹ khen thưởng bảo vệ môi trường, mua sắm dụng cụ vệ sinh, thùng rác… Ông Tạ Đình Quý làm phòng thể dục - thể thao trị giá 200 triệu đồng để mọi người đến tập sau khi quét đường làng hàng tuần.

Tại huyện Phú Xuyên, các xứ đạo đều chú trọng kiến tạo cảnh quan thân thiện môi trường, thực hiện khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường. Trong đó, xứ đạo Hoàng Nguyên là xứ đạo lớn với hơn 6.000 người Công giáo,  các gia đình làm nghề mổ gia súc, gia cầm đã ý thức thực hiện các giải pháp cơ bản để bảo vệ môi trường. Giáo xứ chia từng đoạn đường cho từng xóm để tự quản về môi trường nên đường làng nay đã trở nên khang trang, sạch, đẹp. Ngày phát động bảo vệ môi trường, đại biểu các tôn giáo khác nhau cùng  khơi thông mương, vệ sinh nơi công cộng,... 

 Không gian xanh, sạch, đẹp tại xứ đạo Phú Mỹ (huyện Phú Xuyên)

PV: Các gia đình Công giáo khi có người qua đời thường an táng theo phương thức “đào sâu chôn chặt” mà không thực hiện hỏa táng. Vậy khi phát động bảo vệ môi trường, hoặc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP. Hà Nội có chú ý đến vấn đề này?

TS.Phạm Huy Thông: Bảo vệ môi trường có rất nhiều nội dung, mỗi giáo xứ chọn lựa một mô hình phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Quận Thanh Xuân có người Công giáo sinh sống, nhưng không có nhà thờ Công giáo, Ban Đoàn kết Công giáo đã vận động giáo dân không dùng túi nilon khi đi chợ, đồng thời phát làn cho các gia đình để dùng đi chợ. Ban Đoàn kết Công giáo quận Đống Đa thì chọn vườn hoa Trần Quang Khải để dọn vệ sinh hàng tuần, lôi cuốn rất đông người dân xung quanh tham gia. Bà con giáo dân ở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) tập trung dọn sạch khu rác ở gầm cầu Long Biên, biến nơi này thành khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi, được Nhân dân khen ngợi. Giáo xứ An Thái (quận Tây Hồ) dọn bãi rác khổng lồ, để kiến tạo thành sân chơi và bãi để xe rộng rãi cho người đi lễ,…

Đối với việc hỏa táng người qua đời, đúng là bà con Công giáo lâu nay quen “đào sâu chôn chặt” thi hài người qua đời. Để chuyển sang hỏa táng, chúng tôi đã vận động thực hiện “tang văn minh” tại xứ đạo Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm), trong đó có nội dung hỏa táng người qua đời. Chính gia đình các vị trong Ban Đoàn kết Công giáo quận Bắc Từ Liêm đã gương mẫu thực hiện nội dung này khi có người trong gia đình qua đời, nên đã góp phần tích cực làm thay đổi tập quán “đào sâu chôn chặt” sang hỏa táng. Đến nay 100% số người qua đời được gia đình thực hiện hỏa táng. Ban Đoàn kết Công giáo quận Bắc Từ Liêm đã nhân mô hình này ra 3 xứ, họ đạo khác trên địa bàn. 

PV: Theo ông, động lực nào khiến các mô hình bảo vệ môi trường thu hút được đông đảo cộng đồng Công giáo Thủ đô tham gia?

TS . Phạm Huy Thông: Người Công giáo nhận thức rằng, bảo vệ môi trường là nghĩa vụ và bổn phận trong việc gìn giữ món quà vô giá- sự sống trên Trái Đất mà Thiên Chúa đã trao tặng cho con người trên mặt đất. Món quà càng quý, người nhận càng phải nâng niu trân trọng hơn.

Người Công giáo thuộc lòng câu Kinh Thánh: “Anh em hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng cho tất cả những loài thụ tạo” (Mc 16, 15).  Nhưng lâu nay, người Công giáo mới lo truyền giáo cho người chưa biết Chúa, tức là mới rao giảng Tin mừng cho con người, trong khi loài thụ tạo Chúa dựng nên không chỉ có con người mà trước đó, Ngài còn dựng nên tất cả sông, biển, núi non, cây cỏ, muông thú… tức chính môi trường sống của con người. Cho nên bảo vệ môi trường cũng chính là ứng xử theo Tin mừng đối với các loài thụ tạo khác.

Trong bản xét mình của Đức Giáo hoàng Phanxicô năm 2020, Ngài đặt ra câu hỏi: Ông bà, anh chị có tham gia bảo vệ môi trường không? Nghĩa là không bảo vệ môi trường cũng là một tội lỗi phạm đến Thiên Chúa; là lỗi đức bác ái với anh em, với môi trường.

Theo tôi, những giáo huấn đó chính là nguồn động lực nội tâm thôi thúc người Công giáo hành động vì môi trường. Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nội, các xứ đạo đã phát huy những giáo huấn tốt đẹp này vào đời sống. Bên cạnh đó, Ban bác ái của giáo phận Hà Nội cũng giảng giải, phổ biến tới các các xứ, họ đạo nội dung Thông điệp môi trường- Laudato Si của Đức Giáo hoàng; các ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc phối hợp cùng các tôn giáo tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Như vậy đã có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Giáo hội để cùng nhau hành động vì môi trường.

PV: Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nội sẽ làm gì để phát huy mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”?

Qua 5 năm triển khai 2 mô hình bảo vệ môi trường, chúng tôi vui mừng nhận thấy, các mô hình đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận rất cao của các chức sắc Công giáo và cộng đồng Công giáo Thủ đô. Chúng tôi đã rút ra được những kinh nghiệm quý giá để phát huy hiệu quả của các mô hình bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Trong đó sẽ tiếp tục phát huy đạo đức, văn hóa tốt đẹp của đạo Công giáo, cũng như Thông điệp Laudato Si của Đức Giáo hoàng để nâng cao nhận thức về bổn phận, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người Công giáo Thủ đô. Bên cạnh đó, qua các phong trào thi đua yêu nước để khích lệ đồng bào Công giáo chủ động tham gia bảo vệ môi trường, kiến tạo cảnh quan khang trang, sạch, đẹp ngay tại khu dân cư, tại quê hương mình, góp phần cùng Nhân dân xây dựng Thủ đô phát triển, văn minh, văn hiến, văn hóa./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực