Phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới

Thứ ba, 07/05/2024 22:14
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để đóng góp vào quá trình hoàn thiện 2 dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mà Kỳ họp thứ 7 sắp tới dự kiến sẽ thông qua, chiều 7/5, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Tọa đàm có sự tham dự của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu; Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Trương Xuân Cừ; TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Việt Trường; Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Xuân Hằng; Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cùng một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an; đại diện Vụ Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam; đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải...

 Ảnh minh họa: Anh Tuấn

Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Báo đại biểu nhân dân cho biết, thống kê cho thấy, tai nạn thương tích là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới và chiếm tới 68% số lượng tử vong ở trẻ em dưới 15 tuổi. Trong đó, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với khoảng 22% số trẻ tử vong trên toàn và tỷ suất tử vong tại các nước có thu nhập và trung bình cao hơn 58% so với các nước thu nhập cao. 

Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Mỗi năm có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi tham gia giao thông bằng ô tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Nguy cơ chấn thương giảm cho trẻ em ngồi ở ghế sau kể cả trường hợp dùng thiết bị an toàn và không dùng thiết bị an toàn.

 Nguy cơ chấn thương giảm đối với trẻ em ngồi ghế sau trong trường hợp có dùng và không dùng thiết bị an toàn: Với trẻ em không dùng thiết bị an toàn nguy cơ chấn thương ở trẻ em ngồi ghế sau giảm 26% so với trẻ ngồi ghế trước. Với trẻ em có dùng thiết bị an toàn thì nguy cơ này giảm 14%. Hiện nay trên thế giới có 115 nước đã có luật cấm trẻ em ngồi ghế trước, trong đó có 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm nhưng cho phép trẻ ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước đã thảo luận làm rõ về thực trạng bảo đảm an toàn trật tự giao thông nói chung, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho nhóm yếu thế nói riêng, trong đó có trẻ em; phân tích các chính sách nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trong dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ; đồng thời, tiếp tục đề xuất các giải pháp bảo vệ nhóm yếu thế khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích làm rõ hơn các hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 trong việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải…; tiếp tục thảo luận và đóng góp các giải pháp, chính sách trong dự thảo Luật Đường bộ, hướng tới phát triển giao thông xanh, bền vững.

Các đại biểu đề xuất, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cần xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan thiết bị an toàn cho trẻ em; có quy định chặt chẽ về mũ bảo hiểm trẻ em thông qua ban hành tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm phù hợp cho từng lứa tuổi trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm…

Đối với dự thảo Luật Đường bộ, quy định tỷ lệ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng trong dự thảo đã được lượng hóa, có tính đến điều kiện cụ thể của nước ta và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài. Tuy nhiên, cần có điều khoản chuyển tiếp cho những đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc các đô thị lớn khác, nhằm xử lý trường hợp các đô thị này do kế thừa quy hoạch qua các thời kỳ lịch sử và tiếp nhận những hạn chế, yếu kém trong quá trình quản lý đô thị để lại, nên tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ hiện nay không đáp ứng quy định của Luật.

Dự thảo Luật cũng cần minh định tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông của mỗi loại đô thị được lượng hóa như trong dự thảo Luật đã bao gồm lòng đất để phát triển tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm hoặc trên không để phát triển đường sắt đô thị trên cao, bãi đỗ xe trên cao và các công trình phụ trợ cần thiết khác bảo đảm cho giao thông đường bộ…

“Ý kiến trao đổi, thảo luận của các diễn giả hôm nay sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, cũng như với Chính phủ trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. Tất cả chúng ta đều mong muốn rằng, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây sẽ bảo đảm về chất lượng và được các đại biểu tán thành thông qua với tỷ lệ cao nhất - Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim phát biểu./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực