Phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững - Hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam

Thứ năm, 20/02/2020 21:45
(ĐCSVN) - Các tham luận, ý kiến góp ý của các tổ chức quốc tế, chuyên gia đều rất có giá trị thực tiễn với BHXH Việt Nam trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Từ những nghiên cứu, bài học kinh nghiệm trên thế giới, BHXH Việt Nam có thêm những giải pháp, kế hoạch để ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện tại.

Chiều 20/2, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững - Hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam”. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì hội thảo.

Tham dự có: Tổng Thư ký Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) Marcelo Caetano; Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Chang Hee Lee; Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park; Đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Keiko Inoue; Giám đốc Quỹ An sinh xã hội quốc gia Campuchia Ouk Samvithyea - Phó Chủ tịch Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA); đại diện Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam.

 Toàn cảnh Hội thảo quốc tế. (Ảnh: ĐT)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh vui mừng chào đón Tổng thư ký Marcelo Caetano lần đầu tiên đến thăm và làm việc tại Việt Nam; cùng lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, năm 2020 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam khi đảm nhiệm đồng thời vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là những trọng trách đa phương khu vực và thế giới thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Với BHXH Việt Nam, năm 2020 đánh dấu 25 năm xây dựng và phát triển; 5 năm chính thức gia nhập ISSA. Trên chặng đường đó, BHXH Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế để đạt được nhiều kết quả lớn về góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật BHXH, BHYT; tăng diện bao phủ BHXH, BHYT; quản lý, đầu tư quỹ, ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), triển khai giao dịch điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia… Đặc biệt, Hệ thống giám định BHYT điện tử kết nối với 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giám định tự động chi phí BHYT giúp quản lý, sử dụng quỹ BHYT công khai, minh bạch, hiệu quả. Đây cũng chính là công trình của BHXH Việt Nam đã được ISSA tặng Giải thưởng toàn cầu về ứng dụng CNTT năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BHXH Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về mặt quản lý khi số người tham gia ngày càng lớn; rủi ro trong đầu tư quỹ; công tác truyền thông trong điều kiện mới; xây dựng hệ thống tương tác đa phương tiện, trí tuệ nhân tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc…

“Do đó, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm tăng khả năng thích ứng với quá trình cải cách an sinh xã hội trên thế giới, ứng phó tốt hơn trước những tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, già hóa dân số và Cách mạng công nghiệp 4.0”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh chia sẻ.

Tại hội thảo, Tổng Thư ký ISSA Marcelo Caetano đã chia sẻ về những thách thức của hệ thống an sinh xã hội trên thế giới. Theo ông hiện có 10 thách thức lớn nhất gồm: (1) khoảng cách bất bình đẳng giữa tiếp cận an sinh xã hội giữa các nhóm đối tượng; (2) đảm bảo hệ thống an sinh xã hội đầy đủ cho suốt cuộc đời người lao động; (3) già hóa dân số; (4) tình trạng thất nghiệp của lao động trẻ; (5) tác động của nền kinh tế số, internet đến cấu trúc xã hội, cấu trúc thị trường lao động; (6) nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các bệnh mãn tính; (7) biến động tự nhiên, thay đổi khí hậu, dịch bệnh; (8) di dân và lao động di cư; (9) phát triển công nghệ đặt ra thách thức trong quản trị; (10) yêu cầu ngày càng cao của công chúng về chất lượng dịch vụ.

“Đó là những nghiên cứu và theo dõi của ISSA trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên với mỗi khu vực, quốc gia mức độ thách thức của những yếu tố này là khác nhau. Với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, hiện có 4 thách thức lớn nhất mà các cơ quan an sinh xã hội cần quan tâm giải quyết” - ông Marcelo Caetano nhận định.

 Tổng Thư ký Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) Marcelo Caetano chia sẻ tại Hội thảo.

(Ảnh: ĐT)

Cụ thể, theo ông, với Châu Á - Thái Bình Dương, thách thức đầu tiên là khoảng cách bất bình đẳng về tiếp cận an sinh xã hội giữa các nhóm đối tượng còn lớn. Hiện, độ bao phủ BHXH với người già mới đạt trên 50%, người dễ bị tổn thương 16,4% và người khuyết tật nặng mới đạt dưới 10%. Để giải quyết vấn đề này, Tổng Thư ký ISSA khuyến nghị: các tổ chức an sinh xã hội cần đổi mới, sáng tạo trong thiết kế và thực hiện các chế độ, chính sách; tìm kiếm giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận cho người lao động chính thức; ứng dụng CNTT, tăng cường truyền thông.

Thách thức thứ 2 là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các bệnh mãn tính. Hiện tỷ lệ chi từ tiền túi cho y tế của người dân khu vực này vẫn ở mức cao; trong khi các bệnh mãn tính, không lây nhiễm như đái tháo đường, huyết áp cao có sự gia tăng nhanh chóng. Để giải quyết vấn đề này, Tổng Thư ký ISSA khuyến nghị: Cần tăng cường hỗ trợ chăm sóc ban đầu, chăm sóc tại cộng đồng; giảm gánh nặng về tài chính và các rào cản khác về chăm sóc y tế; tăng cường các mô hình chăm sóc dài hạn.

Thách thức thứ 3 là kỳ vọng ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ. Theo nghiên cứu 38% người dân Châu Á - Thái Bình Dương thích sử dụng công nghệ số trong thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội (cao hơn mức 25% toàn cầu). Tổng Thư ký ISSA khuyến nghị: Các tổ chức cần quan tâm đến sở thích này của người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ điện tử, di động để nâng cao hiệu quả phục vụ.

Thách thức 4 là vấn đề già hóa dân số khi hiện nay, số người trên 65 tuổi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 50% toàn cầu. Cho thấy tốc già hóa dân số trong khu vực này đang tăng nhanh. Dự báo, số đối tượng trên 65 tuổi ở Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng từ 500 triệu người năm 2015 lên trên 1 tỷ người vào năm 2050. Giải pháp ứng phó, Tổng Thư ký ISSA khuyến nghị: cần tăng đối tượng hưởng hưu trí và dịch vụ chăm sóc dài hạn; hỗ trợ khả năng hoạt động, làm việc của người cao tuổi; bên cạnh đó cần đảm bảo bền vững quỹ BHXH trên nguyên tắc đóng - hưởng…

Tham luận tại hội thảo, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị: Chính phủ, BHXH Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững. Trong đó, cần tăng cường diện bao phủ BHXH, BHYT với một hệ thống an sinh xã hội đa tầng, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức; tăng cường kết nối giữa chế độ hưu trí BHXH và hưu trí xã hội phi đóng góp (trợ giúp xã hội); tăng cường sự tuân thủ pháp luật thông qua thanh tra an sinh xã hội và điều phối; cải cách thủ tục và quy định thân thiện với người tham gia; đảm bảo dịch vụ y tế có chất lượng có thể tiếp cận được và sẵn sàng ở mọi cấp, kể cả y tế cơ sở; tăng cường, đổi mới công tác truyền thông hướng đến mọi người tham gia…

Tại hội thảo, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới cũng tham luận, đưa ra những khuyến nghị đối với Chính phủ, BHXH Việt Nam trong xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững.

Kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đánh giá, các tham luận, ý kiến góp ý của các tổ chức quốc tế, chuyên gia đều rất có giá trị thực tiễn với BHXH Việt Nam trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Từ những nghiên cứu, bài học kinh nghiệm trên thế giới, BHXH Việt Nam có thêm những giải pháp, kế hoạch để ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện tại. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh mong muốn, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế để xây dựng Ngành BHXH ngày càng phát triển, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng sự hài lòng của người tham gia./. 

 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực