Chị Trịnh Kim Ngân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho biết, Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa chủ đề “Cùng nhau tiết kiệm” bằng nhiều giải pháp mà trọng tâm là xây dựng, triển khai các mô hình tiết kiệm, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Những mô hình được đánh giá là thực hiện hiệu quả nhất thời gian vừa qua đó là: “Hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ thực hành tiết kiệm điện” và “Biến rác thành tiền”.
Từ thực tế Sóc Trăng là địa phương có số hộ nghèo cao nên một trong các nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Phụ nữ đặt ra là hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung hỗ trợ hộ phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ đơn thân.
Mô hình “Hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” chính là hoạt động cụ thể hóa với những cách làm như: tổ phụ nữ nuôi heo đất, tổ phụ nữ tiết kiệm trong chi tiêu, tổ hũ gạo tình thương, tổ phụ nữ góp vốn mua xi măng, tổ phụ nữ góp vốn làm sân phơi, tổ mỗi ngày một viên gạch, tổ tương thân tương ái, tổ vườn rau – ao - cá...
Buổi sinh hoạt tổ phụ nữ hùn vốn tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế ở huyện Mỹ Xuyên
Ảnh: Cẩm Tú
Các hình thức tiết kiệm như trên đã thu hút hơn 129/146 nghìn hội viên tham gia, chiếm tỷ lệ 88% với tổng số tiền tiết kiệm là hơn 63 tỷ đồng, giúp cho trên 144 nghìn lượt chị em. Với phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, nguồn vốn từ số tiền tiết kiệm này được sử dụng khá linh hoạt, đáp ứng kịp thời và phù hợp với nhu cầu của hội viên, phụ nữ.
Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 6.629 tổ tiết kiệm, một số tổ, nhóm có tiền tiết kiệm cao lên đến hàng trăm triệu đồng như nhóm phụ nữ tiết kiệm trên 300 triệu đồng của chị Lâm Thị Thanh Hiếu, ấp Kinh Ngay 2, xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị với 23 thành viên và nhóm phụ nữ tiết kiệm của chị Huỳnh Thị Nương, ấp Tà Ân, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú với 24 thành viên; Tổ hợp tác trồng màu - chăn nuôi bò xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên có 41 thành viên, tiết kiệm trên 100 triệu đồng…
Hay như ở huyện Thạnh Trị, Hội Phụ nữ xã Thạnh Trị dùng tiền khen thưởng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho một hội viên mượn để làm đất trồng rau, nhờ số tiền này mà thu nhập bình quân hàng ngày được khoảng 100 nghìn đồng. Hội viên xã Vĩnh Lợi, được vay tiền mua 300 con vịt, sau 4 tháng đã bán được 100 con vịt thịt trả tiền cho tổ, còn lại để vịt đẻ trứng bán hàng ngày.
“Đây chính là cơ sở để duy trì và phát triển các tổ, nhóm tiết kiệm, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, chị em phụ nữ hỗ trợ lẫn nhau về vốn, kiến thức, kinh nghiệm, giúp nhau về cây, con giống từ đó, chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả cao hơn. Quan trọng hơn, hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện các mô hình không chỉ nêu cao ý thức tiết kiệm mà còn góp phần giảm hộ nghèo của toàn tỉnh đến cuối năm 2015 còn 30.200 hộ chiếm tỷ lệ 9,5%”, Chủ tịch Hội Trịnh Kim Ngân nói.
Cùng với “Hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ thực hành tiết kiệm điện” cũng là mô hình được phụ nữ Sóc Trăng triển khai hiệu quả thời gian qua. Hàng năm, Hội Phụ nữ tỉnh đều ký liên tịch với Công ty Điện lực Sóc Trăng để tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Các cấp Hội đã xây dựng được 689 tổ với trên 10,4 nghìn thành viên, tiết kiệm được 192,966 KW điện/năm, tương đương trên 320 triệu đồng.
Cũng là cách thực hành tiết kiệm, vừa tận dụng các nguồn rác thải lại góp phần bảo vệ môi trường, mô hình “Biến rác thành tiền” là cách làm sáng tạo được các cấp Hội Phụ nữ Sóc Trăng triển khai nhằm cụ thể hóa Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, vận động hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới.
Việc hướng dẫn, vận động các hộ gia đình phân loại rác thải tại nguồn, xả rác đúng nơi quy định giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên được cán bộ Hội kiên trì thực hiện.
Hiện mô hình đã được 100% cơ sở Hội tham gia, qua đó xây dựng 2.180 tổ, câu lạc bộ phụ nữ thực hiện với nhiều tên gọi khác nhau như: “Tổ phụ nữ biến rác thành tiền”, “Tổ phụ nữ thu gom rác gây quỹ”, “Tổ phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Tổ xử lý rác thải”, “Nhà tôi xanh, sạch, đẹp”, 48 “cụm dân cư 3 sạch”...
Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng Trịnh Kim Ngân, việc triển khai các mô hình tiết kiệm mang lại hiệu quả như trên chính là do các cấp Hội đã biết cách vận dụng sáng tạo, gắn với học tập và làm theo lời Bác. Tỉnh Hội đã chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có khả năng, kinh nghiệm trong vận động hội viên, phụ nữ. Nội dung, hình thức tuyên truyền thiết thực, kết hợp với những câu chuyện kể về Bác, những hành động, lời dạy tiết kiệm của Người từ đó, vận động được đông đảo hội viên, phụ nữ tích cực tham gia./.