|
Thu dọn rác thải nhựa ở Phú Yên. (Ảnh: Anh Ngọc) |
Từ năm 2020, Phú Yên đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Từ đó đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, thu hút dự án đầu tư từ các tổ chức bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế để thực hiện kế hoạch này.
Với sự tham gia của các tổ chức bảo vệ môi trường và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến nay, tại nhiều địa phương, người dân đã không còn vứt rác trực tiếp ra môi trường mà chủ động tham gia vào hệ thống thu gom rác được thiết lập và vận hành tại các khu vực quy định.
Đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), cho hay: GreenHub đang phối hợp với các tổ chức bảo vệ môi trường triển khai chương trình thúc đẩy nỗ lực giảm thiểu rác nhựa đại dương tại Phú Yên. Chương trình sẽ hỗ trợ kế hoạch hành động quản lý rác thải biển đến năm 2030 tại Phú Yên bằng việc truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng, hướng đến thực hành giảm rác thải nhựa từ nguồn. Chương trình cũng nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết khác nhằm bảo vệ biển và đại dương, bảo vệ các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.
Để người dân có điều kiện làm quen với việc phân loại rác nhằm thay đổi hành vi, dần hình thành thói quen phân loại rác, giảm sử dụng nhựa, Phú Yên đã và đang nhân rộng mô hình phân loại rác kết hợp lồng ghép giảm sử dụng đồ nhựa dựa vào cộng đồng.
Được biết, hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Phú Yên khoảng trên 500 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ thu gom đạt được khoảng 85%, số còn lại hoặc người dân tự xử lý hoặc chưa được thu gom. Toàn tỉnh có trên 40 đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt nhưng còn nhiều khu vực nông thôn, một số thôn tại khu vực ven đầm, vịnh chưa thực hiện được và người dân phải tự thu gom, xử lý thô sơ hoặc thải ra môi trường; 20 bãi chôn lấp chất thải tập trung, các bãi rác còn lại tại các địa phương chủ yếu là bãi tạm, rác được đốt thủ công…
Phú Yên vốn là địa phương có nguồn tài nguyên đa dạng và rất quý giá; tỉnh cũng là một trong các đô thị đầu tiên tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa. Để từng bước hướng đến một Phú Yên xanh - sạch - đẹp, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với nội dung đa dạng, phong phú và hiệu quả; rà soát, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nhựa và nhựa đại dương; giám sát thu gom vận chuyển rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% lượng rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh ra môi trường.
Để đạt mục tiêu giảm 50% lượng rác thải nhựa trên biển và đại dương vào năm 2025, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và vấn đề rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa…
Phú Yên cũng phấn đấu nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa và túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết khác; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao hiệu quả quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để hạn chế việc phát tán chất thải nhựa ra môi trường, biển và đại dương… Một số chỉ tiêu cụ thể như tổng lượng rác thải nhựa trên biển và đại dương giảm 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030; 50% ngư cụ bị vứt bỏ được xử lý, thu gom và tới năm 2030 là 100%...
Về phía ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, trong thời gian tới sẽ thiết kế một số mô hình quản lý, thu gom rác thải từ hoạt động nuôi trồng khai thác thủy sản lồng ghép với việc hình thành, giao quyền quản lý cho các tổ chức cộng đồng. Đồng thời lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới để huy động nguồn vốn và nhân lực thực hiện, từng bước nói không với rác thải nhựa và tiến tới nói không với rác thải vào môi trường tự nhiên từ hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản. Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở ban ngành và địa phương, các hội đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân khai thác, nuôi trồng thủy sản nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tự giác thu gom, phân loại rác thải nhựa trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và xử lý đúng quy định. Đồng thời, các bên liên quan cùng tham gia triển khai các dự án bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030./.