Quảng Nam nỗ lực chăm lo cho người có công

Thứ ba, 25/07/2017 16:27
(ĐCSVN) – Quảng Nam là một trong những địa phương có đối tượng hưởng chính sách người có công đông nhất nước. Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực nhằm góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.

Số liệu tổng hợp từ Phòng người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Quảng Nam cho biết: Số lượng đối chính sách người có công (NCC) trên địa bàn tỉnh chiếm đến 23% dân số của tỉnh, với trên 65.400 liệt sỹ, trên 135.000 thân nhân; trên 35.500 thương binh, bệnh binh; trên 45.300 NCC giúp đỡ cách mạng; trên 11.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày; trên 33.700 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; trên 5.850 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học và hàng chục ngàn đối tượng NCC khác.


Từ nhiều nguồn lực khác nhau, Quảng Nam đã tập trung chăm lo làm tốt công tác nghĩa trang và mộ liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, cả tỉnh có 14.729 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”; trong đó có 2.576 mẹ được phong tặng, hiện còn sống 911 mẹ.

Với số lượng đối tượng chính sách NCC như thế, trong khi Quảng Nam là địa phương chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh, đồng thời cũng là nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lụt nên đời sống người dân nói chung, NCC nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam, nhiều năm qua, đặc biệt là trong 20 năm kế từ khi tái lập tỉnh (1997) tới nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn xác định công tác thương binh, liệt sỹ, NCC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và tập trung chỉ đạo đạt nhiều kết quả, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC.

Một nhiệm vụ được xem là trách nhiệm đầu tiên, quan trọng hiện nay mà ngành LĐTB&XH Quảng Nam tập trung thực hiện là làm tốt công tác xác nhận NCC. Thông qua công tác này nhằm ghi nhận công lao, sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ NCC trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đây cũng là cơ sở để thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với NCC.

“Kể từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận mới trên 78.000 trường hợp; trong đó có 10.910 liệt sỹ, 3.620 thương binh, 4.040 bệnh binh, 38.720 NCC giúp đỡ cách mạng; 5.850 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, 11.700 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 38.280 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân chương, Huy chương; phong tặng và truy tặng 10.094 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH)…”- ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.

 

Cùng với công tác xác nhận NCC, việc giải quyết chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân được Quảng Nam thực hiện kịp thời, nhất là các chính sách mới ban hành. Trong 20 năm qua (1997-2017), toàn tỉnh đã thực hiện cho trên 518.000 lượt đối tượng hưởng chế độ chính sách thường xuyên và một lần. Tỉnh cũng thực hiện chế độ điều dưỡng thường xuyên luân phiên cho trên 206.600 lượt người; thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo cho con NCC trên 113.400 lượt. Kinh phí chi trả ưu đãi NCC khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.

 


Với việc huy động sự đóng góp của xã hội cùng ngân sách Nhà nước, đến nay Quảng Nam đã hoàn thành Đề án xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công.

Quảng Nam cũng từng bước xã hội hoá, kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức cùng chung tay chăm sóc NCC trên địa bàn. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã có 97,28% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Trong 20 năm (1997-2017), toàn tỉnh đã vận động vào “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” được hơn 100 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách cũng như thăm hỏi khi đau ốm, hỗ trợ khám chữa bệnh… Ngoài ra, địa phương cũng đã vận động được 13.414 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng trị giá trên 10,484 tỷ đồng tặng gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức điều dưỡng luân phiên và điều dưỡng tại gia đình nhằm chăm sóc sức khoẻ cho 206.600 lượt NCC. Riêng trong những năm gần đây, mỗi năm địa phương tổ chức điều dưỡng cho trên 20.000 lượt NCC. Ngoài ngân sách Nhà nước, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức thăm khám sức khoẻ, cấp thuốc điều trị chữa bệnh cho các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh. Tỉnh cũng tổ chức nhiều đoàn NCC ra thăm Thủ đô, viếng lăng Bác, thăm lại chiến trường xưa, thăm các doanh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử của đất nước..

Đặc biệt, từ năm 1997 đến nay, bằng nhiều chương trình như: Chương tình xoá nhà ở tạm, Đề án cải thiện nhà ở cho NCC, Chương trình nhà nghĩa tình đồng đội, nhà tình nghĩa…. Quảng Nam đã vận động hỗ trợ được 55.369 nhà cho NCC, gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh (trong đó xây mới 33.782 nhà và sửa chữa 21.619 nhà với tổng kinh phí trên 2.198 tỷ đồng).

Song song với việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ cũng luôn được các cấp, các ngành và nhân dân Quảng Nam thực hiện. Trong đó, ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương gần 162 tỷ đồng, toàn tỉnh đã huy động được trên 114,8 tỷ đồng nâng cấp hoàn chỉnh 65 nghĩa trang liệt sỹ, xây 48 đài tưởng niệm ở các nghĩa trang, nhà bia ghi tên liệt sỹ và nhiều công trình ghi công liệt sỹ khác. Đồng thời sửa chữa, tôn tạo gần 70.000 lượt mộ liệt sỹ. Tổ chức tìm kiếm, quy tập hơn 700 hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ các huyện, thị xã, thành phố và hơn 100 hài cốt liệt sỹ đưa về nghĩa trang gia tộc; di chuyển 598 hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh về nguyên quán của liệt sỹ.

Nói về công tác nghĩa trang và mộ liệt sỹ, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam Huỳnh Tấn Triều cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 131 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 01 nghĩa trang liệt sỹ cấp tỉnh, 12 nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện, thành phố, thị xã và 118 nghĩa trang liệt sỹ cấp xã. Địa phương đã quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ trên 60.000 mộ liệt sỹ, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sỹ là con em của hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước đã công tác, chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Quảng Nam và trên 22.000 mộ liệt sỹ được an táng tại nghĩa trang gia tộc.

Riêng với công tác phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ, đỡ đầu con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh, theo Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam Huỳnh Tấn Triều, hiện nay toàn tỉnh có  911/14.729 Bà Mẹ VNAH còn sống. Tất cả các mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng với mức phụng dưỡng bình quân 800.000 đồng/mẹ/tháng. Nhiều đơn vị thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi các mẹ ốm đau hoặc phối hợp với địa phương lo tang lễ chu đáo khi các mẹ qua đời. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hoặc tổ chức cho các Mẹ đi tham quan, du lịch…


Tại hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu, UBND tỉnh Quảng Nam đã tặng Bằng khen và vinh danh nhiều đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận những kết quả và nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Quảng Nam trong công tác chăm sóc NCC, tại Hội nghị biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu tỉnh Quảng Nam diễn ra vào chiều 22/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Những kết quả này phần nào xoa dịu nỗi đau, mất mát của người ở lại, “thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc”. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý: “Tất cả chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn. Việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo. Vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất được hồ sơ để hưởng chế độ. Còn nhiều liệt sĩ đến nay chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Những điều này đã để lại nỗi đau khắc khoải trong lòng người thân và trong mỗi cán bộ đang có trách nhiệm.

Đáp lại những lưu ý của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Đinh Văn Thu đã thay mặt lãnh đạo địa phương hứa với Thủ tướng sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác này; đồng thời kêu gọi mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, coi đó là vinh dự, trách nhiệm, tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực