|
Lượng rác thải ra môi trường ngày càng nhiều tại bờ biển |
Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, một nửa trong số đó được sản xuất chỉ để sử dụng một lần. Ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế.
Tại Việt Nam, khối lượng RTN phát sinh trong năm 2021 là 2,9 triệu tấn, lượng RTN này gia tăng khoảng 5% một năm. Lượng nhựa sử dụng của mỗi người Việt Nam tăng 11 lần trong 30 năm từ 3,8kg/người năm 1990 lên 41,3kg/người năm 2018.
Rác thải nhựa phát sinh từ gần như tất cả các ngành như sản xuất, tiêu dùng, nông nghiệp hay các nhóm tiêu dùng như trường học, khách sạn….phần lớn rác thải nhựa bị rò rỉ ra sông, hồ rồi trôi ra đại dương.
Theo nhận định của ông Đào Xuân Lại, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và môi trường của UNPD tại Việt Nam: “Nếu chúng ta không hành động nhanh thì đến năm 2050 trở đi lượng rác tương đương với lượng cá trong đại dương, tác động đến sức khoẻ, môi trường và nền kinh tế”...
Theo đánh giá ngân hàng thế giới: “Với tỷ lệ rác thải nhựa được tái chế chỉ chiếm ⅓ lượng rác thải ra môi trường, nền kinh tế Việt Nam đã lãng phí 75% giá trị vật liệu tiềm tàng từ tái chế tương đương 2,2-2,9 tỷ USD mỗi năm”.
|
Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa của môi trường sống. |
Trong bối cảnh rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề lớn của toàn cầu, nguồn lực và năng lực trong nước còn hạn chế là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Với sự hỗ trợ từ Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” triển khai từ năm 2020 đến nay đã được lan tỏa trên diện rộng và đồng bộ trên nhiều tỉnh/thành trên cả nước, hỗ trợ tích cực trong việc cải thiện, bổ sung, chỉnh sửa và đẩy mạnh thực thi các chính sách về công tác quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa, nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giảm thiểu rác thải nhựa; cải thiện hệ thống quản lý - thu gom - xử lý rác thải, tăng cường phân loại rác, thu hồi rác tái chế; kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa trên bờ và dưới biển; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, các nghiên cứu, thực hiện công tác giám sát - đánh giá,...
|
Ảnh minh họa |
Ô nhiễm chất thải nhựa là vấn đề toàn cầu được Liên hiệp quốc, các quốc gia, tổ chức và các cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Việt Nam cũng đang không ngừng cập nhật chính sách cơ chế, mô hình phù hợp với từng giai đoạn cụ thể để đưa việc sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ, thu gom và tái chế sản phẩm nhựa thành một vòng khép kín hướng tới mục tiêu vừa giảm thải ô nhiễm và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, trong đó cần tập trung một số giải pháp:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Cần quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Thứ hai, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học - công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Thứ ba, điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án. Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.
Thứ tư, để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải thay đổi tư duy, thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác. Ngoài ra, cần thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.
Thứ năm, xây dựng chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, cùng sự chung tay hành động của doanh nghiệp, của người dân, chắc rằng Việt Nam sẽ thành công trong hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường Việt Nam thật sự xanh, sạch, đẹp./.