Rượu thuốc... không phải lúc nào cũng tốt

Thứ ba, 29/12/2020 19:57
(ĐCSVN) – Từ lâu, rượu ngâm ba kích, nhung hươu, rắn hổ mang... đã được nhiều người quan tâm, lựa chọn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nếu không tìm hiểu kỹ thì việc ngâm và sử dụng các loại rượu này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe người dùng.
Các loại rượu thuốc được ngâm một cách tùy ý tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người  sử dụng. (Ảnh: Bảo Bình). 

“Bổ” trong, đẹp ngoài?

Rượu thuốc (hay còn gọi là rượu dân tộc) là rượu ngâm có vị cam khổ tân ôn, có độc, vào tâm, can, phế, vị. Nhiều người quan niệm, rượu thường có tác dụng thông kinh, khai vị, trợ tiêu hóa, khu phong tán hàn, thấp tý; giảm nguy cơ tim mạch và đột quỵ, giúp máu lưu thông dễ dàng... Rượu ngâm không chỉ để thưởng thức mà hầu hết được sử dụng như thuốc “bổ”. Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, trào lưu ngâm rượu thuốc để bồi bổ, chữa bệnh ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, nhiều người đã tự ý ngâm, thậm chí tung ra thị trường để bán trong khi chưa hiểu hết công dụng của các loại rượu này. Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, nếu rượu ngâm không đúng cách sẽ sinh ra độc tố, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dùng.

Ông Nguyễn Văn Đức, ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Rượu thuốc được bày bán rất nhiều ở cửa hàng tạp hóa, quán ăn. Các nguyên liệu như con vật, thảo mộc được ngâm và trang trí lạ mắt trong các bình thủy tinh khiến cho nhiều người thích thú và lựa chọn chứ chưa chắc đã am hiểu về công dụng cũng như cách dùng”.

Bên cạnh đó, với quan điểm “nhất dáng nhì da”, hiện nay, không ít phụ nữ coi rượu thuốc như một sản phẩm làm đẹp. Chị Nguyễn Thị Mơ, ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: “Trên các trang thương mại điện tử bán rất nhiều các loại rượu thuốc. Gần đây, bạn bè, đồng nghiệp của tôi truyền tai nhau rằng, rượu thuốc có tác dụng dưỡng da. Nhưng tôi còn lo ngại về chất lượng sản phẩm. Bởi, rượu vốn là chất kích thích, khi ngâm với các loài động vật, củ, quả sẽ sinh ra chất mới thì không thể khẳng định tất cả các loại rượu thuốc đều có tác dụng làm đẹp”.

Trên thực tế, không khó để tìm kiếm sản phẩm rượu thuốc đang trôi nổi trên thị trường. Từ nhà hàng, chợ truyền thống đến các trang thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh rượu thuốc diễn ra sôi nổi. Mức giá của các loại sản phẩm giao động từ vài trăm cho đến hàng triệu đồng, tùy vào độ quý hiếm của nguyên liệu. Rượu thuốc được rao bán công khai với cái tên như: Rắn hổ mang chúa, cá ngựa gai, tắc kè hay nhung hươu... với đủ công dụng như: Bổ thận tráng dương, đẹp da, tốt cho sức khỏe, tăng sinh lực...

Tiềm ẩn tác hại đối với sức khỏe

Chỉ với nguyên liệu đơn giản, không được kiểm định là có thể ngâm rượu thuốc nên khả năng gây ngộ độc cho người dùng là rất lớn. Vì thích thú và tin vào những lời quảng cáo trên mạng, không ít người đã phải nhận “trái đắng” khi mua và sử dụng rượu thuốc kém chất lượng.

Cụ thể, rất nhiều trường hợp nhập viện, thậm chí tử vong do dùng rượu thuốc. Mới đây, ngày 16/11, bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cấp cứu người đàn ông bị cương dương thể thiếu máu suốt 30 giờ, do người này sử dụng rượu ngâm ba kích. Hay Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân có biểu hiện hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt và tổn thương não lan tỏa do ngộ độc cồn công nghiệp methanol trong rượu.

Chưa hết, không ít trường hợp bệnh nhân nữ phải nhập viện trong tình trạng sưng, phù nề, bỏng, bong tróc, dị ứng và nổi mẩn đỏ vì sử dụng rượu thuốc không rõ nguồn gốc để bôi lên mặt, làm da bị tổn thương nặng dẫn đến hoại tử. Như vậy, việc mua và sử dụng một cách thiếu hiểu biết về các loại rượu thuốc đã và đang để lại những hệ quả khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.

Vậy, làm thế nào để rượu thuốc không biến thành rượu độc? Theo nhiều chuyên gia, việc ngâm rượu thuốc cần đặc biệt cẩn trọng, bởi mỗi loại sẽ có những công dụng khác nhau. Để tránh rượu thuốc sinh độc tố, trước khi ngâm và sử dụng phải tìm hiểu kỹ công dụng của các loại thảo mộc, động vật khi kết hợp; không nên chạy theo thị hiếu, phong trào.

Trao đổi với báo chí, Đại tá, TS Nguyễn Thanh Hương, Chủ nhiệm Khoa Lão khoa, Viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết: “Rượu thuốc không phải loại rượu thông thường nên việc ngâm và sử dụng nếu không am hiểu kiến thức về y học cổ truyền sẽ dễ mắc phải những sai lầm, gây hại cho sức khỏe, thậm chí cướp đi tính mạng con người. Mọi người nên sử dụng rượu thuốc dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia để phát huy tối đa hiệu quả cũng như hạn chế những tác dụng phụ. Trường hợp người dùng có biểu hiện nhức đầu sau khi sử dụng các loại rượu thuốc thì cần liên hệ trực tiếp người có chuyên môn để được tư vấn, hỗ trợ điều trị kịp thời”.

Có thể thấy, không có chuyện rượu thuốc “bổ trong, đẹp ngoài”. Rượu thuốc, rượu ngâm động vật chỉ phát huy tác dụng nếu được dùng một cách khoa học, đúng liều lượng. Và cần nhấn mạnh rằng, rượu thuốc là dược phẩm nên việc pha chế cũng như sử dụng phải đặc biệt cẩn trọng. Bên cạnh đó, mỗi người cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin quảng cáo rượu thuốc trên thị trường; tuyệt đối không uống rượu thuốc khi chưa rõ nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe của chính mình./. 

Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực