Sắp xếp, ổn định dân cư ở huyện miền núi Tây Giang

Thứ ba, 22/03/2022 11:04
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Xuất phát từ điều kiện huyện miền núi địa hình phức tạp, chia cắt lại có đông đồng bào dân tộc sinh sống; thiên tai thường xuyên xuất hiện gây thiệt hại lớn về người, tài sản... Vì thế, yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tây Giang là tập trung làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư gắn với phát triển kinh tế- xã hội để ổn định đời sống Nhân dân.
leftcenterrightdel
Các làng tái định cư tập trung được đầu tư hạ tầng, đời sống người dân đã ổn định hơn.

Giải quyết bài toán để ổn định và phát triển

Tây Giang là một trong các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, đồng thời cũng là địa phương có biên giới chung với nước bạn Lào. Năm 2003, trên cơ sở chia tách từ huyện Hiên, huyện Tây Giang được thành lập cùng với người anh em Đông Giang.

Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện miền núi, địa hình phức tạp, chia cắt; có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu (chiếm 95% dân số) sinh sống; mùa mưa bão lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra gây nguy cơ sạt lở, thiệt hại lớn về người, tài sản... Vì thế, Đảng bộ Tây Giang đã tập trung mọi nguồn lực để giải quyết bài toán hết sức bức thiết là tập trung làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư gắn với phát triển kinh tế- xã hội để ổn định đời sống Nhân dân.

Nói về thành công này, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh nhớ lại: Trong những ngày đầu mới tái lập, Tây Giang có rất nhiều khó khăn. Thời đó, nhiều người thường nói Tây Giang là huyện “5 không”: Không đường, không điện, không trường, không trạm và không nhà làm việc. Đời sống của người dân thiếu thốn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới 84,64%. Trong hoàn cảnh đó, thời tiết tại huyện cũng khá khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, một bộ phận người dân vẫn còn tập quán du canh, du cư, sản xuất không ổn định, nhiều năm mùa màng mất trắng, phải xin tỉnh hỗ trợ lương thực cho người dân. 

“Do địa hình nhiều đồi núi cao và sông suối, đặc biệt là có rất nhiều người dân cất nhà ở phân tán trên các đồi núi, triền sông nên tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở vào mùa mưa rất lớn, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và đây luôn là nỗi lo hiện hữu, thường trực đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải khẩn trương tìm giải pháp để khắc phục”- đồng chí Lê Hoàng Linh cho biết.

Nhằm giúp người dân có nơi ở ổn định, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời tạo điều kiện để địa phương và người dân tập trung cho phát triển kinh tế hộ gia đình, qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ huyện và trước đó là nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cấp, các ngành, các tổ chức; sự ủng hộ của già làng, người có uy tín; ý kiến thống nhất của người dân và chính quyền các địa phương… Từ tháng 6/2006, Tây Giang đã tìm ra hướng đi và bắt tay vào giải quyết bài toán khó khăn của mình bằng quyết tâm chính trị rất cao là tập trung sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp với địa hình núi cao và truyền thống văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu.

leftcenterrightdel
 Một khu dân cư trên mặt bằng rộng đang được xây dựng mới tại Tây Giang.

Gắn quy hoạch, sắp xếp dân cư với phát triển kinh tế- xã hội

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh, vào thời điểm 6/2006 khi Tây Giang bắt tay vào khảo sát, lập quy hoạch, san ủi mặt bằng, sắp xếp, bố trí dân cư thì yếu tố bắt buộc phải giải quyết đầu tiên là “bố trí dân cư ở tập trung”. Đồng thời, địa điểm khởi động đầu tiên là thon Pơr’ning, xã Lăng.

Ngay tại điểm khởi động đầu tiên này đến các thôn kế tiếp, tiêu chí để chọn mặt bằng triển khai san ủi được địa phương thực hiện bài bản theo 05 bước, đảm bảo các yếu tố phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào địa phương. Trong đó, bước thứ nhất là vị trí được chọn nơi lập làng mới phải đảm bảo an toàn, do nhân dân chọn thông qua việc tổ chức họp xin ý kiến của các già làng, người có kinh nghiệm trong thôn; chọn những đồi núi có độ dốc ít, hình bát úp, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh được thiên tai và gần nguồn nước sinh hoạt.

Thứ hai là nơi đặt làng mới phải phù hợp với văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất khu vực biên giới, có quỹ đất để dựng nhà sinh hoạt cộng đồng (Gươl) và các thiết chế văn hóa như phòng học mầm non, sân thể thao….

Thứ ba, làng mới phải gần khu sản xuất, chăn nuôi được quy hoạch tập trung, từng bước chấm dứt tình trạng thả rông gia súc trong khu dân cư, tránh dịch bệnh.

Thứ tư, đầu tư cho việc san ủi ban đầu tuy lớn nhưng sẽ tạo được mặt bằng rộng cho việc đầu tư các công trình dân sinh cần thiết trong khu dân cư, phát huy hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách nhà nước.

Thứ năm là ưu tiên đầu tư đối với những thôn, xã làm tốt công tác tuyên truyền vận động, dân đồng thuận hưởng ứng, sẽ tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng của các thôn khác.

“Từ những nỗ lực và cách làm trên, đến nay Tây Giang cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 115 điểm dân cư/63 thôn, với tổng diện tích 370,5ha, bố trí nơi ở ổn định cho 4.690 hộ/19.000 khẩu (tỷ lệ đạt hơn 90% tổng số hộ trong toàn huyện); tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Song song với hình thành mặt bằng là tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng và các mô hình phát triển sản xuất, cải tạo đồng ruộng, khu chăn nuôi… nhằm ổn định nơi ở và từng bước phát triển”- Phó Chủ tịch Lê Hoàng Linh chia sẻ và cho biết thêm: Mô hình này bước đầu phát huy tác dụng tích cực, trong đó về phía người dân đã có cuộc sống ổn định, chấm dứt cuộc sống du canh du cư và nỗi lo bị uy hiếp bởi thiên tai, sạt lở ít đi, điều kiện hưởng thụ các dịch vụ thiết yếu ngày càng nhiều hơn.

Đồng thời việc xây dựng các làng tái định cư tập trung sẽ thuận lợi trong công tác quản lý xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đặc biệt khi nhân dân ở tập trung sẽ không còn tình trạng ở rãi rác giữa núi rừng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời cũng thuận lợi, tiết kiệm trong đầu tư đồng bộ hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương xây dựng các làng tái định cư, Tây Giang cũng gặp một số vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, như: địa hình núi cao, độ dốc lớn nên việc chọn địa điểm để san ủi mặt bằng đảm bảo đủ diện tích sử dụng rất khó khăn, đòi hỏi kinh phí ban đầu lớn; một bộ phận người dân phải tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhiều lần; một số hạng mục như nhà cửa, ruộng lúa, ao cá của người dân bị thiệt hại phải kiểm kê đền bù nhưng ngân sách huyện không có đã gây chậm trễ trong quá trình thực hiện; cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh trong việc san ủi, bố trí dân cư tập trung chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức thực hiện,…

Cùng với đó, theo Phó Chủ tịch Lê Hoàng Linh: Hiện các khu dân cư tuy đã hình thành nhưng bên trong vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên một số điểm dân cư chưa có đường bê tông đi lại, thiếu nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, một số dịch vụ cần thiết như mạng điện thoại, internet chưa đảm bảo; điều kiện sản xuất, thu nhập, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều hộ nhà cửa còn tạm bợ, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao so với toàn tỉnh.

leftcenterrightdel
Ở làng mới, người dân có nhà cửa khang trang, hạ tầng tốt, điều kiện sinh hoạt được quan tâm đầu tư.

Mặc dù có những khó khăn nhất định như vậy, nhưng kết quả từ những nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Tây Giang thời gian qua đã và đang chứng minh cho thấy chủ trương tái định cư dân tại các làng mới có mặt bằng tập trung, ổn định là bước đi đúng hướng, cần được nhân rộng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh, chưa bàn cụ thể vấn đề kết quả phát triển kinh tế- xã hội, thành tựu xóa đói giảm nghèo, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện, chỉ riêng nhìn từ thực tế qua mùa mưa bão khốc liệt 2020- 2021 vừa qua cũng đủ cho thấy mô hình này của Tây Giang là hiệu quả, phù hợp với đặc điểm địa hình miền núi trong thời kỳ biến đổi khí hậu hiện nay. Cụ thể là rất nhiều huyện miền núi lân cận, tương đồng đều xảy ra sạt lở, có nơi sạt lở làm thiệt hại rất nhiều người và nhiều tài sản, hạ tầng… thì ở Tây Giang không có thiệt hại về người, các thiệt hại khác không đáng kể.

Tuy nhiên, "để những khu dân cư này ổn định, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện thì thời gian tới Tây Giang rất cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa của các cấp, nhất là việc tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phát triển theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam", Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang kiến nghị./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực