Diễn đàn “Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 10/12, diễn ra tại Hà Nội nhằm đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam trên các lĩnh vực: lao động, việc làm, y tế, giáo dục, chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ…
Phát biểu khai mạc, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay, COVID-19, một loại virus mới gây bệnh lây truyền theo đường hô hấp cấp, xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 và sau đó đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới. Tính đến ngày hôm nay (10/12), toàn cầu 69,2 triệu người nhiễm, trong đó có gần 1,6 triệu ca tử vong.
Đại dịch COVID 19 tiếp tục diễn biến khó lường trên thế giới và khó ngăn chặn khi mà Lễ Giáng sinh sắp đến ở nhiều nước. Chính phủ nhiều quốc gia đã tăng cường nhiều biện pháp phòng chống dịch cũng như nỗ lực như truy vết, cách ly, tránh tiếp xúc với người nhiễm, tránh đi lại không cần thiết, thậm chí đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, nhưng cũng chưa được hiệu quả.
|
Diễn đàn “Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam” . Ảnh: VA |
Và đến giờ phút này nguy cơ lan nhanh của dịch bệnh vẫn còn rất lớn. Hậu quả của đại dịch COVID 19 là chưa từng có trong lịch sử loài người. Nhìn chung, Việt Nam đã khá thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nhưng nguy cơ vẫn còn cao do diễn biến rất phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới.
GS.TS Đăng Nguyên Anh cho biết thêm, các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: tác động của đại dịch COVID-19 đến tăng trưởng và thực hiện các gói kích thích kinh tế, những khó khăn, thuận lợi và triển vọng phục hồi kinh tế ở Việt Nam; tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động - việc làm trong nước năm 2020, các chính sách ổn định việc làm cho người lao động; Ảnh hưởng của COVID-19 đến hệ thống giáo dục của Việt Nam, các biện pháp ứng phó trong giai đoạn dịch bùng phát; Tác động của đại dịch COVID-19 đến nhóm yếu thế trong xã hội (người cao tuổi, trẻ em nghèo, người di cư, lao động phi chính thức…) và những thách thức đặt ra…
Diễn đàn được chia thành 2 phiên. Phiên 1: Trình bày tham luận về tác động kinh tế - xã hội của đại dịch; Phiên 2: Tọa đàm bàn tròn đại dịch COVID-19: cơ hội và thách thức.
Nhiều hệ lụy từ đại dịch COVID - 19 nếu không có chính sách can thiệp hiệu quả
Tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội. Cho đến nay, khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam có xu hướng được kiểm soát, thế nhưng suy thoái kinh tế dẫn đến mất việc làm và giảm thu nhập trở thành vấn đề đáng lo ngại nhất và còn kéo dài. Theo số liệu của Bộ LĐTBXH, số lao động đang làm việc quý I/2020 giảm hơn 680 nghìn so với quý 4/2019. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao nhưng tỷ lệ thiếu việc làm đã tăng từ gần 590 ngàn (1,22%) lên hơn 970 ngàn (2,03%). Đó chưa kể sự suy giảm về tổng số giờ làm việc cũng như năng suất lao động do đại dịch COVID-19.
“Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy tiếp theo về an sinh xã hội và bất bình đẳng xã hội nếu chính sách can thiệp không kịp thời điều chỉnh cho hiệu quả”- PGS.TS Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.
Thế nhưng theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội và điều kiện thúc đẩy xã hội Việt Nam chuyển đổi và hiện đại hóa nhanh hơn, nhất là việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số.
“Không thể coi dịch COVID-19 là một yếu tố tích cực, nhưng chính những xáo trộn môi trường xã hội trong nước và quốc tế do COVID-19 gây ra đang tạo nên cả những thách thức và cơ hội mới”- PGS.TS Đức Vinh bày tỏ.
Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế Việt Nam năm 2020, TS Lê Xuân Sang- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, công tác phòng, chống dịch tại Việt nam đã đạt kết quả tương đối tốt, đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ, các cấp các ngành chú trọng nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước, duy trì tương đối tốt sự cân đối cung – cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm trong thời gian dịch.
Thêm nữa, Chính phủ đã chủ động chuẩn bị sớm các gói kích thích kinh tế trước khi đại dịch lan truyền rộng, tương đối bám sát thị trường, ban hành nhiều gói hỗ trợ dưới các dạng khác nhau với dung lượng phù hợp với bản chất và diễn biến đại dịch. Chính phủ cũng đã linh hoạt chuyển các dự án PPP sáng đầu tư công nhằm thúc đẩy đầu tư công nhanh chóng, vốn có tác động lan tỏa nhanh, sâu rộng nhất, có độ trễ bên ngoài thấp và có tính thực thi cao nhất trong điều kiện đại dịch…
Tuy nhiên, TS Lê Xuân Sang cũng chỉ ra một số bất cập của các gói kích thích kinh tế như: tỷ trọng doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ còn thấp (22%); Gói hỗ trợ giảm, giãn thuế còn mang tính cầm chừng. Mức độ hỗ trợ là không đủ, ít hơn nhiều so với nhu cầu doanh nghiệp khi bị đại dịch. Thời gian thụ hưởng hỗ trợ là quá ngắn so với nhu cầu và tình hình hoạt động của doanh nghiệp…
Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, TS Lê Xuân Sang nhấn mạnh, trong điều kiện nền kinh tế, doanh nghiệp chịu tác động của nhiều nhân tố bên ngoài, nhất là các nhân tố mới và nhân tố bên trong vừa mang tính tích cực và mang tính tiêu cực thì các gói hỗ trợ phải tính đến bản chất, tác động cộng hưởng, đa chiều… Đồng thời, phải xem các gói kích thích kinh tế không phải là thuốc thần và không thể cứu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là khi nguồn ngân sách còn hạn chế trong tình hình bệnh dịch còn rất phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, chỉ có thể cứu được một số doanh nghiệp theo các tiêu chí hợp lý về mặt kinh tế và thực tiễn tối đa, bảo đảm minh bạch, công bằng cao./.