Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, bão số 2 đã gây sạt lở, làm ách tắc giao thông trên nhiều tuyến quốc lộ. Trong đó, QL47, QL217 đoạn qua Thanh Hóa bị sạt lở ta luy dương, riêng QL217 lún sụt mặt đường 70 m, hư hỏng 5.000 m2 mặt đường. Tại Nghệ An, QL1 đoạn Km 412 + 400 - Km 412 + 450 ngập từ 0,3 - 0,5 m gây ách tắc giao thông; QL48E nước ngập nhiều vị trí phải đóng đường không cho sử dụng ở đoạn qua xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu và đoạn qua xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn; cầu Tràn Hiếu Km 92 ngập 30 cm, tràn Sông Đào ngập 2,7 m do sông Đào xả lũ... Tổng kinh phí khắc phục các thiệt hại bước đầu trên các quốc lộ ước khoảng 30 tỉ đồng. Các đường địa phương Thanh Hóa, Nghệ An cũng bị hư hỏng, sạt ta luy, tổng thiệt hại lên tới 25 tỉ đồng.
CSGT Hà Nội sẽ được tăng cường ứng trực tại các điểm
có nguy cơ cao về ngập úng khi mưa bão xảy ra (Ảnh:KS)
Nhằm chủ động, kịp thời đối phó với những ảnh hưởng của mùa mưa bão năm nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và các cấp thực hiện bảo trì, sửa chữa công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương để bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão. Theo đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra tình trạng hoạt động các cầu, phà, cầu phao, bến đò, các vị trí có nguy cơ sạt lở để kịp thời phát hiện, sửa chữa, xử lý hoặc chấn chỉnh công tác quản lý nhằm bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình khai thác sử dụng.
Với hệ thống giao thông đường thủy, UBND các tỉnh, thành phố rà soát quy trình vận hành khai thác các bến phà, cầu phao, bến đò, ngầm, tràn trên đường bộ; bổ sung biển báo, cột thủy trí, cọc tiêu tại các bến phà, các đoạn đường ngầm, đường tràn. Tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện hoạt động, các trang thiết bị an toàn, nội qui hoạt động đặc biệt của phà, đò, cầu phao để bảo đảm an toàn. Các Sở GTVT ngoài việc thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường được giao quản lý phải hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ đối với UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc trong việc thực hiện quản lý, bảo trì và vận hành, khai thác các công trình cầu, cầu treo dân sinh, phà, cầu phao, bến đò, đường ngầm, đường tràn trên hệ thống đường trên địa bàn tỉnh.
UBND cấp huyện, ngoài việc thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường được giao quản lý phải hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ UBND các xã trong việc thực hiện quản lý, bảo trì và vận hành, khai thác các cầu, cầu treo dân sinh, phà, bến đò, cầu phao, các vị trí đường ngầm, đường tràn trên hệ thống đường do các xã quản lý.
Bên cạnh đó, Sở GTVT, UBND các cấp cần kiên quyết dừng khai thác nếu công trình nguy hiểm không bảo đảm an toàn khai thác, hoặc chủ công trình không chấp hành các quy định về an toàn giao thông, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời. Kiên quyết thực hiện các biện pháp cấm người, phương tiện qua các công trình, phương tiện vượt sông đã dừng khai thác hoặc cấm sử dụng, đồng thời có các phương án đảm bảo giao thông phù hợp. Rà soát chấn chỉnh các đò, phà chưa có giấy phép hoạt động, chưa thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, niêm yết các nội quy, các điều kiện an toàn tại các đầu bến. Tuyên truyền vận động người tham gia giao thông không tham gia khi nhận thấy không đảm bảo điều kiện an toàn (như chở quá số người, phương tiện, không có phao cứu sinh…).
Còn theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn các quận nội thành hiện có 18 điểm úng ngập nằm trên các trục đường giao thông quan trọng như: ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Hai Bà Trưng... Ngoài ra, thành phố còn có 170 điểm úng ngập nhỏ nằm trong khu dân cư. Do đó, khi xảy ra mưa, bão lớn sẽ dẫn đến ùn tắc tại các khu vực này gây cản trở các phương tiện khi tham gia giao thông. Để kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cho biết, ngoài các điểm có thể xảy ra úng ngập đã được xác định, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, phát hiện, bổ sung các vị trí phát sinh để chủ động trong công tác phòng, chống. Cụ thể, ở những điểm, nút giao thông có khả năng bị ngập sâu, lực lượng CSGT sẽ đặt biển cảnh báo nguy hiểm để chủ các phương tiện phòng tránh. Bên cạnh đó, Phòng CSGT cũng sẽ bố trí xe cứu hộ giao thông để cẩu, kéo phương tiện của người dân bị sự cố, tổ chức phân luồng từ xa, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người tham gia giao thông lựa chọn lộ trình hợp lý./.