Tạo lá chắn cho sản xuất tại các khu công nghiệp trước “bão” dịch

Thứ hai, 21/06/2021 16:44
(ĐCSVN) – Những ngày qua, nguy cơ dịch bệnh COVID- 19 xâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất… tại các địa phương khu vực phía Nam là rất lớn. Trước thực trạng này, giải pháp cấp bách ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan tại các khu vực nói trên đã được các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng như người lao động chung tay ngăn chặn.

Quyết tâm không để dịch bùng phát trong môi trường sản xuất

Một khu vực bị phong tỏa tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: Báo CA TP HCM) 

Tại TP. Hồ Chí Minh, địa phương đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh tại khu vực phía Nam, khi mà mỗi ngày ở đây có hàng chục ca mắc COVID-19 được phát hiện, thậm chí có những ngày lên tới gần một trăm ca bệnh. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, cần phải tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tầm soát có trọng tâm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố, nhằm đảm bảo toàn bộ các công nhân trong các khu này được xét nghiệm.

Do đây là môi trường dễ lây lan, thông khí kém, đặc biệt là các công ty trong khu công nghiệp có người mắc, nghi mắc COVID-19 thì triển khai xét nghiệm toàn bộ công nhân, người lao động và mở rộng xét nghiệm các công ty trong khu công nghiệp. “Phải thực hiện có trọng điểm theo mức độ đối với những đơn vị nào có trường hợp lây nhiễm, phải tập trung vào đó. Thực hiện xét nghiệm cuốn chiếu các công ty, khu công nghiệp nhằm đảm bảo toàn bộ các công nhân trong các khu công nghiệp được xét nghiệm và tiến hành liên tục theo kế hoạch. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong tình hình hiện nay, lãnh đạo các đơn vị cần có sự quyết tâm và quyết liệt trong công việc này”, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

TP. Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương để quản lý chặt chẽ hoạt động trong khu công nghiệp. Người lao động khai báo y tế đầy đủ, theo dõi sức khỏe và nắm bắt thông tin kịp thời, kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào khu công nghiệp, nắm rõ thông tin người lao động để cung cấp cho công tác điều tra truy vết khi cần.

Đối với công ty có công nhân đông, doanh nghiệp có nhiều công nhân càng phải khoa học, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào quản lý. Vì nếu chẳng may có tình huống gì xảy ra phải ngừng sản xuất, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký kết là rất lớn, chính vì vậy, các doanh nghiệp phải triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế về phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; chuẩn bị phương án cách ly tập trung bên trong doanh nghiệp nếu để xảy ra trường hợp có ca bệnh và đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Có thể cách ly tại chỗ, sản xuất tại chỗ hoặc có các phương án tổ chức diễn tập.

Quá trình thực hiện cần thống nhất về phương pháp, phối hợp đồng bộ, nghiêm túc thực hiện các biện pháp, nhất là các biện pháp phòng, chống dịch tại các nhà máy, xí nghiệp, tại các tòa nhà, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, phát hiện những nơi đông người như trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo người lao động hạn chế đến nơi tập trung đông người. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư trang thiết bị, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh ngay trong doanh nghiệp, trên các chuyến xe đưa rước và cả nơi ở của công nhân.

Là những địa phương giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh…, nơi có khá đông các khu công nghiệp cũng đang phải triển khai quyết liệt phòng chống dịch, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp thực hiện nghiêm các phương án phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống cụ thể khi phát hiện các ca F0, F1, F2, F3.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra các doanh nghiệp triển khai thực hiện các phương án phòng chống dịch COVID-19 như kiểm tra y tế, công nhân khai báo y tế hằng ngày trước khi vào làm việc, thực hiện giãn cách trong lao động, sản xuất và ăn uống sinh hoạt trong công ty. Theo đó, trong trường hợp các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch sẽ buộc dừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh, nếu vi phạm nghiêm trọng để lây lan dịch sẽ khởi tố hình sự.

Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp với 51.303 doanh nghiệp trong nước và trên 3.900 doanh nghiệp vốn FDI. Tổng số công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp lên đến trên 1 triệu người. Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho hay, ngành Y tế tỉnh này đã xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình dịch COVID-19, hiện tại các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch như cách ly tập trung có thể đảm bảo cách ly được 4.000 người. Ông Chương cho biết Bình Dương đang tiếp tục xây dựng dựng, nâng cấp các cơ sở vật chất, bệnh viện dã chiến để có thể đáp ứng với kịch bản cách ly cho 10.000 người.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh này đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc 8 nội dung quan trọng, trong đó có các giải pháp cấp bách như khai báo trực tuyến nguy cơ lây nhiễm qua địa chỉ trang web: dongnai.atalink.com; ký cam kết và chịu trách nhiệm trong việc chấp hành quy định phòng chống dịch tại địa chỉ trang web: diza.dongnai.gov.vn; đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nghiêm biện pháp 5K; kiểm tra thường xuyên tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động; quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoài tỉnh làm việc tại doanh nghiệp…

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các doanh nghiệp có đông công nhân trong các khu công nghiệp đặc biệt là công nhân may, phải đảm bảo độ giãn cách tối thiểu khi tổ chức sản xuất. Không được để xảy ra tình trạng không kiểm soát được người ra vào các khu công nghiệp mà không nắm được lịch trình di chuyển. Bình Thuận hiện có 65 doanh nghiệp đang hoạt động trong 9 khu công nghiệp với 11.000 công nhận.

Tỉnh Bình Phước hiện có 11 khu công nghiệp, khu kinh tế đi vào hoạt động với trên 65.000 công nhân. Để chủ động thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch về phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong khu công nghiệp với các giải pháp kiên quyết khi có các ca F1, F2 và ca dương tính với nhiễm COVID-19 tại các khu công nghiệp. Bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho hay, dịch bệnh có thể đến bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Việc xây dựng các kịch bản phòng chống dịch bệnh trong khu công nghiệp được thiết kế bài bản hướng đến sự chủ động, tích cực của chủ doanh nghiệp, từng công nhân trong việc tham gia phòng chống dịch bệnh.

Được biết, tỉnh Bình Phước đã thành lập các Tổ công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các Tổ này có trách nhiệm kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được phân công theo dõi. Đồng thời, các tổ công tác này phải báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh về Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo.

Tất cả vì sức khỏe người lao động

Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp các tỉnh phía Nam trong những ngày qua, nhiều người lao động cũng đã đồng tình tham gia xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên nhằm tăng cường tính chủ động phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương cũng đã vận động các doanh nghiệp thực hiện chi trả lương cao hơn mức tối thiểu vùng đối với những trường hợp bị cách ly. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4. Trong đó, tập trung hỗ trợ các lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch; đoàn viên, người lao động khu vực có quan hệ lao động là F0, F1 phải cách ly y tế 21 ngày, có quyết định cách ly y tế tại nhà, lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi...

Tiêm vaccine cho công nhân trong Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.
(Ảnh: Báo SGGP)

Bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện 100% doanh nghiệp đã ký cam kết với Công đoàn theo phân cấp. Các doanh nghiệp cũng đã thực hiện tốt việc sàng lọc đo thân nhiệt ,rửa tay và cung cấp khẩu trang 100% cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp có đông công nhân cũng đã thực hiện giãn cách ngày làm - ngày nghỉ hoặc chia nhóm vẫn hưởng lương 100%; có doanh nghiệp tạm thời cho người lao động cho nghỉ 1 tuần và thực hiện chi trả 70% lương; có doanh nghiệp tổ chức làm việc từ xa. Riêng các trường hợp người lao động được xác định tiếp xúc gần sẽ thực hiện cách ly tại 2 điểm đã được bố trí trước đó ở quận Tân Phú; những người có liên quan quan hoặc có đến khu vực có dịch đều được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và tạm thời cách ly tại nhà hoặc tại đơn vị làm việc như trường hợp của bệnh viện quận Tân Phú.

Trực tiếp xuống cơ sở trao hỗ trợ cho công nhân lao động trong những ngày qua, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, rất nhiều tổ chức công đoàn cơ sở cùng chủ doanh nghiệp đã vận động, quyên góp hỗ trợ để công nhân lao động có tiền chữa trị bệnh và trang trải cuộc sống. Khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động trong thời gian qua, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương cũng đã có các hình thức chăm lo thiết thực, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, chủ nhà trọ cùng chung tay chăm lo người lao động, hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được vay vốn với mức lãi suất gần như bằng không.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai về việc vận động doanh nghiệp mua vaccine COVID-19 cho công nhân lao động, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã đăng ký chi tiền tiêm vaccine cho công nhân.

Theo ông Lê Đức Thụy, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, 80% doanh nghiệp trên địa bàn huyện cho biết sẵn sàng chi kinh phí tiêm vaccine cho công nhân. Cụ thể như: Tập đoàn Phong Thái, Công ty TNHH Pousung Việt Nam... sẵn sàng chi phí tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân lao động.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn thống nhất chủ trương cho một số doanh nghiệp thực hiện phương án bố trí người lao động làm việc, ăn, ở, tạm lưu trú tại chỗ nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp. Theo đó, việc bố trí người lao động làm việc và tạm lưu trú tại doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận thống nhất giữa doanh nghiệp với công đoàn đơn vị và người lao động. Các điều kiện về ăn, ở tại nơi lưu trú của người lao động phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, các điều kiện tối thiểu phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.

Số lượng người lao động được bố trí tại một điểm phải phù hợp với không gian, tránh bố trí quá đông công nhân, người lao động tại 1 điểm. Đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với ngành Y tế tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người lao động và khi có kết quả âm tính thì mới bố trí tạm lưu trú tại doanh nghiệp. Chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp chi trả.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng khuyến cáo các doanh nghiệp ngoài việc bố trí cho người lao động tạm lưu trú tại doanh nghiệp nên yêu cầu công nhân, người lao động, kể cả chuyên gia nước ngoài đang thường trú hoặc tạm trú tại các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh thực hiện giãn cách xã hội sắp xếp thuê nhà hoặc tạm lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa đi lại hằng ngày từ vùng có dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong công ty. Trường hợp bất khả kháng, đề nghị doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải cam kết với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch./..

K.V(th)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực