Tây Giang (Quảng Nam): Quy hoạch, xây dựng mặt bằng định canh, định cư cho nhân dân

Thứ năm, 12/05/2016 09:20
(ĐCSVN) – Những năm qua, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã quan tâm bố trí tái định cư cho người dân trên địa bàn. Thông qua các khu định canh, định cư (ĐCĐC) được huyện quy hoạch, xây dựng đã giúp đồng bào có điều kiện ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

 

Ổn định chỗ ở và đất canh tác cho người dân

Đó là khẳng định của ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang khi nói về quyết tâm của lãnh đạo huyện này trong mấy năm qua nhằm đưa người dân vào sống tập trung tại các khu ĐCĐC mà huyện đã và đang quy hoạch, đầu tư xây dựng.

“Cái khó của Tây Giang là huyện miền núi, biên giới, địa hình đồi núi hiểm trở; đồng bào lại quen với cuộc sống riêng lẻ, rải rác trên các triền đồi, ven suối nên rất khó phát triển kinh tế; đặc biệt vào mừa mưa lũ thường xuyên bị sạt lở nên rất nguy hiểm và đời sống còn khó khăn. Ngoài ra, do sống riêng lẻ, rải rác như thế nên công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân rất khó và hạn chế. Trong khi đó, chính quyền địa phương muốn đầu tư đường sá, điện, nước, chợ, trường học, bệnh viện… cho người dân cũng không thể thực hiện được. Đáng nói hơn, chính cuộc sống khá “biệt lập” này đã làm cho sợi dây gắn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân chưa bền chặt, không sâu sát. Đây chính là nguyên nhân để các thế lực xấu dễ lợi dụng, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Hơn thế nữa, Tây Giang là huyện biên giới, có 08 xã có cùng đường biên giới với nước bạn Lào dài 76km là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo đồng bào mình chống phá cách mạng, gây mất đoàn kết hữu nghị với nhân dân biên giới nước bạn Lào”- ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ.

Thôn Arầng 1, xã AXan (huyện Tây Giang) sau khi được bố trí định canh, định cư

 

Xuất phát từ thực tế đó, Đảng bộ huyện Tây Giang xác định, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân không có việc làm nào khác là phải tập trung quy hoạch tổng thể và chi tiết từng lĩnh vực, trong đó ưu tiên hàng đầu là phải làm sao cho người dân ổn định được chỗ ở, ổn định được đất canh tác, tức là phải đảm bảo 2 yếu tố cơ bản: đất và nước. Trong đó, đất được thể hiện là đất ở (định cư), đất sản xuất (định canh) và nước là nước sinh hoạt, nước cho người dân sản xuất. “Vì vậy, từ năm 2008, Ban Thường vụ huyện ủy Tây Giang đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2008-2013; đồng thời xác định đến năm 2018 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn; thực hiện công tác định canh, định cư “dồn điền phân đất” để ổn định cuộc sống người dân”- ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết thêm.

Gắn công tác định canh, định cư với bố trí đất sản xuất

Khẳng định những công việc nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân trên địa bàn huyện thời gian qua, ông Bhling Mia, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang bộc bạch: “Gắn công tác định canh, định cư với bố trí đất sản xuất là ưu tiên hàng đầu của Ban Thường vụ huyện ủy Tây Giang trong mấy năm gần đây. Theo đó, Ban Thường vụ huyện ủy đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương trong toàn huyện với phương châm: “Nơi nào có đất ruộng, có đất sản xuất thì nơi đó có nhân dân” để định canh, định cư lâu dài, ổn định bền vững và phát triển kinh tế, văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Mặt khác, phải khai thác hết diện tích mặt bằng để sản xuất lương thực, thực phẩm đảm bảo đời sống của người dân phát triển bền vững, lâu dài. Cạnh đó phải chú trọng phát hiện, nhân rộng những mô hình điểm, các điển hình tiên tiến trong sản xuất, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, hoa màu, nhà cửa… ủng hộ chủ trương định canh, định cư của lãnh đạo huyện; đặc biệt là lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước từ các chương trình, dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện cho nhân dân vươn lên thoát khỏi đói nghèo”.

Với những ưu tiên và cách làm kể trên, đến nay, huyện Tây Giang đã san ủi và bố trí dân cư ổn định tại 70 khu mặt bằng, với hơn 3.353 hộ (mỗi mặt bằng khoảng từ 4ha đến hơn 10ha tùy điều kiện quỹ đất và số lượng hộ dân yêu cầu bố trí tái định cư). Tuy nhiên, không dừng lại ở con số 70 khu mặt bằng này mà kế hoạch của Ban Thường vụ huyện ủy Tây Giang là đến năm 2018, nhân kỷ niệm 15 năm ngày Tây Giang tái lập huyện sẽ hoàn thành thêm 32 khu mặt bằng nữa để ổn định đời sống và sản xuất của người dân, nhất là tại các địa bàn khó khăn, phân tán dân cư hay bị chia cắt lớn.

Thôn mới bố trí định canh, định cư G'anil, xã A Xan (huyện Tây Giang)

 

Nói về những kết quả bước đầu của công tác định canh, định cư tại Tây Giang thời gian qua, ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Cần phải quan tâm, giúp đỡ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ cuộc sống độc lập, riêng lẻ ở những địa bàn khó khăn, chia cắt, nguy hiểm, thiếu thốn…để về sống tập trung theo cộng đồng dân cư tại các khu định canh, định cư. Chính khi vào các khu định canh, định cư chung này sẽ thuận lợi để địa phương thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Điều này cũng có nghĩa là Nhà nước sẽ dễ đầu tư hơn, nhân dân có điều kiện để sản xuất và sinh hoạt. Trước mắt, tại các khu định canh, định cư tập trung này, huyện huy động các nguồn lực từ ngân sách, trong xã hội, các nguồn tài trợ để đầu tư sản ủi mặt bằng, xây dựng hạ tầng như: Giao thông, điện, nước sạch…; đồng thời kêu gọi nhân dân ủng hộ chủ trương này để tháo dỡ nhà cửa di chuyển vào sống tập trung trong khu định canh, định cư. Sau khi di chuyển, diện tích đất mà người dân bỏ đi sẽ được địa phương cải tạo thành ruộng, vườn để nhân dân có đất canh tác, phát triển kinh tế...

Ngoài những kết quả trên, theo ông Linh, bên cạnh việc định canh, định cư cho người dân thì công tác khai hoang, mở rộng diện tích đất cho trồng trọt và chăn nuôi của người dân cũng được chính quyền địa phương và bản thân mỗi hộ dân hết sức quan tâm. Qua đó giúp người dân ổn định an ninh lương thực tại chỗ, không phá rừng già, rừng đầu nguồn để làm nương rẫy. “Thống kê đến hiện tại, toàn huyện đã tổ chức khai hoang được gần 50ha ruộng lúa nước để cấp lại cho nhân dân phục vụ sản xuất nông nghiệp; hình thành 90 mô hình chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện. Cạnh đó, đến nay, huyện cũng đã đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa nhiều công trình thủy lợi để phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng trong huyện”- ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết thêm./.

 

 

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực