Tết ấm áp đến với mọi người, mọi nhà

Thứ tư, 10/02/2021 08:47
(ĐCSVN) – Với truyền thống tương thân tương ái, mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên mọi miền tổ quốc lại sôi nổi diễn ra các hoạt động chăm lo Tết cho các gia đình có công với cách mạng, các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…

Nhiều năm qua, dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn song Đảng và Nhà nước luôn chú trọng và có nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, việc quan tâm chăm lo Tết cho người nghèo và gia đình chính sách đã trở thành một phần trong chính sách an sinh xã hội, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Năm 2020, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, các cấp, các ngành, các địa phương vẫn nỗ lực duy trì các chương trình, hoạt động chăm lo Tết cho người dân, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được vui xuân đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Vì vậy, thông điệp đậm chất nhân văn “Không để ai bị bỏ lại phía sau” lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, nhất là với các đối tượng yếu thế trong xã hội…!

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gia đình gặp khó khăn xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thế Phong

Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, vào ngày 9/12/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị 48-CT/TW năm 2020 về việc tổ chức Tết năm 2021. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phát huy truyền thống văn hoá đoàn kết, "tương thân, tương ái" của dân tộc, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong dịp Tết, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết.  Đặc biệt, quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp...

Và cũng như mọi năm, để chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm ai cũng có Tết, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm, ngay từ đầu tháng 12/2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu và giáp hạt đầu năm 2021; chủ động huy động nguồn lực, trong đó có ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các hộ thiếu đói, nhất là các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai; chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; vận động các tổ chức, cá nhân và bố trí ngân sách địa phương...

Thông tin khiến nhiều người ấm lòng là ngay từ những ngày giữa tháng 1/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định về việc tặng quà người có công với cách mạng. Dù việc này đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục mỗi dịp xuân về, Tết đến, song tin vui là so với năm 2020, mức quà tặng dịp tết Nguyên đán 2021 dành cho người có công được điều chỉnh chỉnh tăng 1,5 lần, theo 2 mức 600.000 đồng và 300.000 đồng/người. Tổng kinh phí tặng quà tết người có công với cách mạng dịp này là gần 518 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, phong phú huy động nguồn lực của địa phương, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân để chăm lo Tết cho các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo bị thiên tai, bão lũ, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; các hộ gia đình nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID - 19, các hộ nghèo là công nhân viên chức, người lao động làm việc ở những khu vực khó khăn.

Được biết, tính đến ngày 27/01/2021, các địa phương đã huy động được hơn 1.820 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa hơn 187 tỷ đồng để hỗ trợ Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 300.000 đồng - 500.000 đồng/người.

Cùng với đó, các địa phương đã có kế hoạch, chủ động chăm lo Tết cho các đối tượng; bố trí ngân sách chi trả trợ cấp xã hội đầy đủ, kịp thời cho hơn 3,1 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đang sống tại cộng đồng và chăm sóc, nuôi dưỡng cho hơn 50 nghìn đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội trong cả nước.

Điêu rất đáng mừng là một số địa phương có điều kiện như Thành phố Hà Nội quyết định trích ngân sách hơn 371 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 813 tỷ đồng; Thành phố Đà Nẵng hơn 52 tỷ đồng để tặng quà cho người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội với mức từ 1.100.000 đồng - 1.500.000 đồng/người.

Để không ai bị đói, đứt bữa trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt, tính đến ngày 01/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Quyết định hỗ trợ tổng số 11.580,915 tấn gạo cứu đói cho 221.875 hộ với 772.061 nhân khẩu trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu và giáp hạt đầu năm 2021. Việc xuất cấp gạo hỗ trợ người dân trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc có ý nghĩa thiết thực, mang đậm chất nhân văn, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia của Chính phủ đối với bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa… Đặc biệt là giúp người nghèo, những hộ dân còn khó khăn về lương thực được "đỏ lửa" trong những ngày Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Bên cạnh đó, với tinh thần lá lành đùm lá rách, nhiều chương trình chung tay vì người nghèo đã được tổ chức trên khắp cả nước, góp phần giúp bà con đón Tết cổ truyền đầm ấm.

Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thông qua phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Tân Sửu 2021, đến ngày 8/2, cả nước đã vận động và trao tặng hơn 1,5 triệu suất quà cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá hơn 750 tỷ đồng.

Việc tặng quà diễn ra theo hình thức hỗ trợ trực tiếp (tiền mặt, hàng hóa) và các hình thức hỗ trợ khác, như xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ có thành viên bị ảnh hưởng bởi chất độc dam cam/dioxin; tặng thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tặng bò sinh sản, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo vươn lên...

Phiên Chợ Tết nhân đạo lưu động tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: HCTĐVN) 

Điểm mới của phong trào năm nay là các cấp Hội Chữ thập đỏ tổ chức "Phiên chợ Tết nhân đạo" tại nhiều tỉnh, thành phố. Tại đây, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được phát phiếu mua hàng trị giá 0 đồng để đổi quà, gồm tiền mặt và hàng hóa thiết yếu phục vụ các gia đình đón Tết Nguyên đán Tân Sửu… Nhiều tỉnh, thành triển khai Chợ Tết nhân đạo lưu động, vận chuyển xe hàng Tết đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tết đang đến rất gần, trên mọi miền tổ quốc vẫn sôi nổi diễn ra các hoạt động chăm lo Tết cho các gia đình có công với cách mạng, các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng các hình thức phù hợp với tình hình, diễn biến và chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, nhiều ngày qua, các đồng chí lãnh đạo thay mặt Đảng và Nhà nước đã đi thăm và tặng quà các gia đình tại nhiều địa phương trong cả nước.

Những việc làm thiết thực này đã góp phần hỗ trợ, động viên, giảm bớt nỗi lo lắng của những người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, để mọi người đều được đón Tết đầm ấm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực