Lặng lẽ quét dọn đường phố ngày giáp Tết. (Ảnh: BL)
Lặng lẽ làm sạch đường phố
Dù công việc dọn rác vào những ngày giáp Tết vất vả và mệt nhọc hơn thường ngày rất nhiều nhưng những người lao công vẫn đầy tinh thần trách nhiệm. Đối với họ, việc có thể góp sức khiến cho Tết được trọn vẹn hơn dường như cũng là một niềm hạnh phúc.
Cũng như nhiều thành phố khác, Hà Nội hiện nay không chỉ có 36 phố, phường mà diện tích được mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc, khách du lịch, dân ngoại tỉnh làm ăn, buôn bán. Từ trung tâm thành phố cho tới các vùng ven, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các dịch vụ thương mại, hàng quán mọc lên như nấm. Đời sống vật chất của người dân ngày càng sung túc... Và một trong những hệ quả tất yếu là lượng rác thải tăng lên đáng kể, đặc biệt là những ngày giáp Tết.
Chia sẻ về công việc thường ngày, chị Đinh Thị Hà – Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nôi cho biết: Nhiều người dân thường hay xả rác bừa bãi, đặc biệt là những ngày cận Tết. Có những tuyến đường chúng tôi phải làm đi làm lại nhều lần… nhưng cứ quét dọn xong người dân lại vứt ra đường.
“Dù ngày thường hay ngày Tết, công nhân vệ sinh môi trường chủ yếu làm việc vào ban đêm, thu gom rác sau một ngày để sáng sớm hôm sau mọi tuyến đường đều sạch sẽ, thậm chí còn phải làm tăng ca. Với lượng rác khổng lồ đó đòi hỏi những người công nhân phải làm việc hết mình bất kể trời mưa hay nắng. Làm nghề quét rác hơn 3 năm nay, hàng ngày tôi vào ca từ 8 giờ tối đến sáng ngày hôm sau mới xong việc”, chị Hà nói.
Không chỉ quét dọn đường phố, những người lao công này còn phải đi tới từng nhà, gõ kẻng thu gom rác. Rác từ trong nhà dân tới rác ngoài đường phố đều do những người lao công thu gom. Trong khi đó, ý thức phân loại rác của người dân chưa cao, khiến người lao công vừa phải thu gom, vừa phải phân loại rác.
Không phải làm việc khuya như chị Hà, chị Nguyễn Ngọc Hạnh cùng Công ty cho biết: Một ngày chúng tôi chia nhau thành nhiều ca. Ngày thường thì công việc còn đỡ cực vì ít rác hơn nên chị em được về sớm, còn những ngày này là thời điểm các chợ tập trung lượng rác lớn nhất trong năm nên mệt lắm”.
Cực nhọc là vậy nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi nụ cười của những nữ lao công vẫn nở trên đôi môi khô và nứt nẻ vì cái giá lạnh của mùa đông.
Nhọc nhằn nghề lao công trong bệnh viện
Có mặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn chiều 24 Tết, chúng tôi gặp chị Phan Thị Hồng (42 tuổi, quê Hải Dương) đang lúi húi tẩy rửa các bồn cầu và thu gom rác. Không ngại ngần chia sẻ về công việc, chị cho biết: “Chẳng ai muốn làm cái nghề suốt ngày phải tiếp xúc với nước thải, chất thải; nhất lại rác thải trong bệnh viện, bởi rất dễ lây nhiễm bệnh. Nhưng vì cuộc sống chúng tôi vẫn phải “nhắm mắt” làm. Người thân trong gia đình cũng khuyên tôi nên tìm công việc khác, chứ suốt ngày tiếp xúc với rác thải trong bệnh viện rất độc hại. Nhưng giờ đã có tuổi, biết tìm việc gì, thôi thì chấp nhận tất cả vì cuộc sống. Tôi đã quen với công việc này được hơn 3 năm rồi”.
Chị Hồng cần mẫn với công việc quét dọn tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: BL)
Theo chị Hồng, thời gian đầu mới vào Viện làm, ngày nào cũng nhìn thấy rác như bông băng dính đầy máu của người bệnh, những ống kim tiêm sắc nhọn, những túi dịch bốc mùi trong thùng rác, những xú uế tại khu nhà vệ sinh… Tất cả trở thành nỗi ám ảnh với người lao công, nhưng lâu dần rồi cũng thành quen. “Nhiều khi lau dọn xong, đến bữa ăn, bưng bát cơm lên lại rùng mình, cảm giác nôn nao khắp người. Mùi thuốc, mùi hóa chất tẩy rửa cứ râm ran đâu đó. Thế nên bụng đói nhưng có bữa không sao nuốt được miếng cơm”, chị Hồng nói.
Hơn 3 năm làm nhân viên vệ sinh tại Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương), bà Hoài Lam (55 tuổi) cũng là người rất có trách nhiệm với công việc tại bệnh viện. Chia sẻ về công việc của mình, bà Lam cho biết: “Làm nghề này vất vả, đối mặt với nguy cơ lây bệnh cao nhưng lại không được ghi nhận. Nhiều khi còn bị dư luận coi là nghề thấp kém trong xã hội. Vì cuộc sống, vì gia đình nên vẫn phải tiếp tục công việc”.
Bà Lam tỉ mỉ lau chùi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: BL)
Nhìn bóng dáng của những người lao công khuất sau những những thùng vệ sinh ngất ngưởng của bệnh viện, chúng tôi nhận ra rằng, nghề lao công đã vất vả nhưng nghề lao công trong bệnh viện còn khó khăn, nhọc nhằn hơn nhiều. Bởi họ là những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, độc hại, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra. Công việc vất vả lại nhiều rủi ro, đôi khi còn bị kỳ thị nhưng họ vẫn phải bám nghề, tất cả để mưu sinh, vì miếng cơm manh áo hàng ngày.
Trong không khí hối hả, nhộn nhịp của ngày Tết, càng thêm trân trọng những người lao công đang ngày đêm cần mẫn làm việc để giữ trong lành bầu không khí, môi trường sống của Thủ đô./.