Tết Việt trong mắt du học sinh nước ngoài

Thứ bảy, 28/01/2017 17:13
(ĐCSVN) – Trước thềm Xuân mới, lần đầu tiên các du học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam đã có cơ hội giao lưu, cùng tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của đất nước mình đang theo học trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”.

Tiết trời se lạnh dường như không ngăn nổi bước chân của các du học sinh đến mỗi lúc một đông. Khoảng sân của trường Đại học Hà Nội cũng vì thế mà trở nên ấm áp hơn bởi sự có mặt của 252 sinh viên nước ngoài đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đang học tập tại Việt Nam cùng 178 sinh viên Việt Nam thuộc các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều du học sinh Việt Nam tại Anh, Pháp, Đức, Hungary, Hàn Quốc, Trung Quốc về nước đón Tết biết thông tin cũng tìm đến để gặp gỡ những người bạn cùng lứa tuổi.

Du học sinh nước ngoài tại Việt Nam thích thú khi được hướng dẫn gói bánh chưng - Ảnh: Minh Châu

Được tổ chức với mục đích giúp sinh viên nước ngoài hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Doãn Hồng Hà cho biết, “Gặp gỡ Việt Nam” cũng tạo môi trường giao lưu giữa những các bạn trẻ Việt Nam và du học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tham gia vào các hoạt động giao lưu quốc tế, nâng cao kỹ năng hội nhập, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè trong khu vực và trên thế giới.

Chính vì vậy mà nội dung của chương trình được thiết kế rất phong phú và đặc sắc. Các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia được trải nghiệm bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng, viết thư pháp, nặn tò he hay đắm mình vào các trò chơi dân gian Việt Nam như: đi cà kheo, đập niêu, bịt mắt bắt vịt, nhảy sạp, kéo co... rồi lại cùng nhau thưởng thức các món ăn đậm chất truyền thống Việt Nam ngày Tết.

Xung phong nhận nhiệm vụ viết thư pháp trong chương trình, Hoàng Anh và Thùy Linh, sinh viên khoa tiếng Trung, Đại học Hà Nội cảm thấy vô cùng hào hứng. Nắn nót, chỉn chu từng nét chữ, hai tình nguyện viên còn tranh thủ giảng giải cho những người bạn nước ngoài ý nghĩa của những chữ được nhiều người Việt lựa chọn dịp đầu Xuân năm mới như chữ Phúc, chữ Tâm, chữ An...

Học tập ở Việt Nam đến nay đã được 4 năm, Na Byeong Gun, du học sinh người Hàn Quốc cho biết, nếu như nhiều người Việt biết đến món kim chi của quê hương anh thì cũng rất nhiều người Hàn Quốc biết và yêu thích món phở, nem… của Việt Nam. Qua tìm hiểu, chàng sinh viên này biết rằng Tết truyền thống của người Việt không thể thiếu món bánh chưng nên đoán đó là loại bánh rất ngon và đã cùng những người bạn Việt Nam ăn rất nhiều lần. Tuy nhiên, chỉ đến khi tới chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, Na Byeong Gun mới được học cách gói bánh. Cầm trên tay chiếc bánh chưng tự tay gói, Na Byeong Gun thấy rất phấn khích.

Khác với cậu bạn Hàn Quốc, tỏ ra rất thành thạo khi gói bánh chưng nhanh và khéo léo, Adam Jallori cho biết cậu dường như đã trở thành một người Việt Nam thực thụ. Tốt nghiệp Đại học Hà Nội, Adam tiếp tục theo học Đại học Bách khoa. Thời gian học tập ở Việt Nam khá dài đồng nghĩa với những trải nghiệm mỗi ngày một nhiều thêm với chàng trai Palestin trên dải đất hình chữ S.

Du học sinh nước ngoài chơi đập niêu, một trò chơi dân gian của Việt Nam - Ảnh: Minh Châu

“Tôi yêu Việt Nam, người Việt vô cùng tốt bụng. Năm ngoái, khi về ăn Tết ở Thái Nguyên với gia đình một người bạn, tôi không ăn được thịt lợn nên gia đình bạn ấy đã gói riêng cho tôi những chiếc bánh chưng nhân thịt bò. Bánh chưng rất ngon, càng ngon hơn bởi được gói bằng tình yêu thương của mọi người. Cả làng bạn ấy biết tôi là người nước ngoài về ăn Tết nên đã đến rất đông, mừng tuổi tôi những tờ tiền mới. Tôi cũng theo gia đình bạn ấy đi chúc Tết người thân, họ hàng. Ai nấy đều coi tôi như người trong nhà. Ngày Tết người Việt Nam đều quây quần bên nhau thật ấm cúng. Năm nay, tôi sẽ lại về Thái Nguyên ăn Tết”, Adam chia sẻ.

Với Khieoakhom Syonkeo, sinh viên Học viện Ngoại giao, hình ảnh phố phường vắng ngắt, tìm khắp nơi không thấy quán ăn khác hẳn với không khí ngày thường trong cái Tết đầu tiên ở Việt Nam sẽ mãi là kỷ niệm không bao giờ quên.  “Lúc đó em chưa biết tiếng Việt nhiều, chưa quen với nhiều người bạn Việt Nam nên không khỏi ngỡ ngàng. Cũng vì thế mà em cũng chưa có cơ hội tìm hiểu về Tết Việt. Nhưng năm nay, khi tham gia chương trình này, em đã biết thêm rất nhiều điều ý nghĩa về Tết cổ truyền của Việt Nam. Biết chúc mừng năm mới những người bạn Việt Nam khiến ai nấy đều phấn khởi, vui lòng”, du học sinh Lào nói.

Nói lên suy nghĩ của các du học sinh, Iuzhakova Kateryna, du học sinh người Nga thổ lộ: “Được cùng nhau có mặt ở đây chúng em rất vui, được biết thêm nhiều điều bổ ích về đất nước nơi chúng em đang học tập, gắn bó. Chúng em rất mong sẽ có nhiều cơ hội để giao lưu trong những chương trình bổ ích như thế này. Chúc người dân Việt Nam đón một mùa Xuân thật ấm áp”.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực