Những vụ việc đau lòng…
Mới đây, vụ việc một nam sinh D.Q.M (lớp 11A8), Trường Trung học phổ thông Lý Thánh Tông (Hà Nội) bị tử vong do đuối nước khi đi dã ngoại tại Mai Châu (Hòa Bình) đã đang thu hút được sự quan tâm của dư luận. Sự việc xảy ra trong chương trình trải nghiệm được Trường Trung học phổ thông Lý Thánh Tông tổ chức theo kế hoạch hàng năm và là hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, giáo dục nhân cách cho người học. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do nam sinh này đã cùng một số bạn học tự ý rủ nhau đi tắm suối cách nơi tập kết của đoàn khoảng 1 km mà không báo cáo với giáo viên phụ trách. Sau đó, nam sinh M đã bị đuối nước và tử vong. Theo báo cáo của trường THPT Lý Thánh Tông (Hà Nội) gửi Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, hằng năm đơn vị đều tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, giáo dục nhân cách cho người học.
|
Một học sinh Trường THPT Lý Thánh Tông (Hà Nội) tử vong khi đi dã ngoại cùng nhà trường. Ảnh: Hà Linh.
|
Trước đó, ngày 14/1/2021, có một học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Âu Dương Lân, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bị đuối nước trong khi tham gia hoạt động dã ngoại được tổ chức tại Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương). Học sinh này bị đuối nước khi rơi xuống vùng biển nhân tạo dành cho học sinh tiểu học. Dù đã được thầy cô và nhân viên cứu hộ của khu du lịch đưa đi cấp cứu nhưng học sinh này đã không qua khỏi. Đợt ngoại khóa này nằm trong kế hoạch hằng năm của Trường Tiểu học Âu Dương Lân.
Cũng trong ngày 14/1/2021, một nhóm học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Đông Anh (Hà Nội) khi đến Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ) để vui chơi cùng đoàn học sinh của trường này thì thiết bị ở khu vực tàu lượn gặp sự cố, khiến 1 học sinh tử vong, 2 học sinh khác bị thương nặng. Sự việc xảy ra khi nhóm học sinh nói trên tham gia ngoại khóa, trải nghiệm do Trường Trung học phổ thông Đông Anh tổ chức cho học sinh lớp 10 và 11 vào cuối học kỳ 1.
Trước những vụ việc đau lòng nêu trên, dư luận đã đưa ra vấn đề phải làm sao để có thể đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động tham quan, dã ngoại do nhà trường tổ chức.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, các trường tổ chức cho họ sinh đi tham quan, dã ngoại phải có kế hoạch thực hiện với những giải pháp quản lý học sinh thật chặt chẽ; nếu thấy không an toàn thì đừng tổ chức. Cũng không nên cấm học sinh đi tham quan, dã ngoại vì sẽ làm các em mất đi những trải nghiệm bổ ích và các cơ hội rèn luyện kỹ năng của bản thân.
Để tham quan, ngoại khóa thực sự an toàn, hiệu quả
|
Học sinh Trường THCS Minh Đức (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) tham gia tiết học trải nghiệm tại Thảo cầm viên. Ảnh: H.HG. |
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, tham quan, dã ngoại đã trở thành những hoạt động quan trọng trong chương trình giáo dục của nhiều nhà trường, nhất là ở các thành phố lớn. Nếu được tổ chức tốt, những chuyến tham quan, dã ngoại sẽ là cơ hội trải nghiệm bổ ích, giúp học sinh có điều kiện phát huy khả năng khám phá tìm tòi, sáng tạo và hình thành các kỹ năng: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vận động, kỹ năng hòa nhập, kỹ năng giữ an toàn cho bản thân, kỹ năng hợp tác và xử lý các tình huống thực tế. Tham quan, dã ngoại còn giúp nối liền bục giảng với đời sống, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh; tạo cho học sinh sự phấn khởi, tự tin vào bản thân, giúp cho việc học tập được tốt hơn.
Tuy nhiên, cùng với những hiệu quả nói trên, việc tổ chức hoạt động tham quan, ngoại khóa cho học sinh hiện đang tồn tại không ít bất cập. Bên cạnh nguy cơ mất an toàn cho học sinh nếu công tác tổ chức thiếu chặt chẽ, còn là các vấn đề về hiệu quả thực chất của các buổi tham quan, trải nghiệm; vấn đề liên quan đến kinh phí tổ chức, hoặc các biểu hiện lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động dã ngoại, giáo dục ngoài nhà trường để thu tiền trái quy định. Mới đây nhất, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở để chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho học sinh. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu các nhà trường nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để thu tiền trái quy định và đồng loạt đưa học sinh đi tham quan du lịch. Khi tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường; yêu cầu các đơn vị phải xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học cụ thể, phù hợp về nội dung, mục tiêu yêu cầu cần đạt của chương trình, thời lượng và điều kiện thực tế của nhà trường. Việc huy động các nguồn lực để tổ chức phải được thực hiện theo đúng quy định.
|
Văn bản chấn chỉnh của Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: VL. |
Thực tế, không chỉ riêng Nghệ An mà những năm qua, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã ban hành các văn bản quy định, chấn chỉnh hoạt động tham quan, trải nghiệm của các cơ sở giáo dục. Để hoạt động tham quan, trải nghiệm cho học sinh thực sự an toàn, hiệu quả, vấn đề quan trọng hàng đầu là các nhà trường không tổ chức cho học sinh đi tham quan trải nghiệm dài ngày với chi phí lớn, ở các địa điểm có nhiều nguy cơ mất an toàn. Nên tổ chức tham quan, trải nghiệm gắn với các khu di tích lịch sử, các “địa chỉ đỏ”, các địa điểm ở gần nhà trường. Việc tổ chức cần phù hợp với lứa tuổi, đối tượng tham gia và phải được thống nhất, đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần lựa chọn những đơn vị (Công ty) cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm có đủ năng lực, uy tín, xe vận chuyển đảm bảo chất lượng; lái xe phải có ý thức tốt, có trách nhiệm cao, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhà trường phải chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ giáo viên, phụ huynh cùng tham gia và quản lý học sinh bảo đảm an toàn khi tổ chức.
Trước khi đưa học sinh đi dã ngoại, các trường cần có phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu, mua bảo hiểm đầy đủ cho học sinh. Đồng thời, cần rèn kỹ năng cho học sinh như tuân thủ quy định tập thể, tự phục vụ… Các phụ huynh được lựa chọn cần phối hợp nhà trường, trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm để trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm... Đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh cần có sự phân công cụ thể, bám sát các nhóm học sinh và thường xuyên điểm danh trong quá trình tham quan, trải nghiệm để tránh những trường hợp mất an toàn có thể xảy ra./.