Thừa Thiên - Huế: Không dùng nước uống đóng chai sử dụng một lần trong công sở

Thứ bảy, 11/05/2019 23:38
(ĐCSVN) - Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thừa Thiên - Huế không dùng nước uống đóng chai sử dụng một lần (thể tích 330 - 500 ml) trong công sở, khi tổ chức hội nghị, hội thảo, chuyển sang các bình nước thể tích lớn lớn hơn 20 lít, hoặc tự đun nấu.

Ngày 11/5/2019, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ngành, địa phương và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn gương mẫu đi đầu, vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Rác thải nhựa và ô nhiễm do loại rác này mang lại đang là vấn nạn lớn ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Trước mắt, yêu cầu các cơ quan, đơn vị  không dùng nước uống đóng chai sử dụng một lần (thể tích 330 - 500 ml) trong công sở, khi tổ chức hội nghị, hội thảo, chuyển sang các bình nước thể tích lớn lớn hơn 20 lít, hoặc tự đun nấu, không sử dụng túi ni lông và khăn lau sử dụng một lần.

Đồng thời, Sở Tài chính không được thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần, khó phân hủy.

Các đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch và tổ chức ký kết tham gia thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” và “nói không với túi ni lông sử dụng một lần”.

Ngoài ra, người đừng đầu UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với Sở KH&CN, Sở GD&ĐT, các tổ chức môi trường, các đoàn thể, trường học phát động, tổ chức các cuộc thi sáng tạo, sáng kiến về các mô hình, công cụ thay thế các vật dụng bằng túi ni lông, nhựa sử dụng một lần.

Phấn đấu đến năm 2020, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ sản xuất, nhà hàng trên địa bàn sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường, thay thế túi ni lông khó phân hủy.

Được biết, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, bình quân mỗi ngày tiếp nhận xử lý từ 450 - 700 tấn rác.

Ông Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu trong tháng 6/2019 các đơn vị liên quan cùng với UBND huyện Phong Điền khẩn trương khảo sát, hỗ trợ sản xuất để đưa sản phẩm của làng nghề đệm bàng (một loại cỏ có họ hàng với cây lác hay cây cói, thường mọc hoang ở những vùng đất trũng có nước) thay thế cho ống hút bằng nhựa; có giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường, tập trung vận động các đơn vị kinh doanh trong khu vực phố đi bộ, các đơn vị dịch vụ sử dụng ống hút thân thiện môi trường, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực