Thừa Thiên Huế cần tiếp tục nâng cao chất lượng chính sách, dịch vụ công

Thứ sáu, 15/09/2023 21:00
(ĐCSVN) - Thừa Thiên Huế cần có phương hướng về sắp xếp các đơn vị hành chính cụ thể hơn; quan tâm đến sự hài lòng của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng chính sách, dịch vụ công; tiếp tục cập nhật, làm giàu dữ liệu…

Chiều 15/9, Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc về công tác cải cách hành chính tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế Trần Minh Long thông tin về kết quả đạt được trong triển khai các nhiệm vụ CCHC. Theo đó, tính đến hết tháng 8/2023, 100% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND ban hành đều được tiến hành lập đề nghị trình cơ quan có thẩm quyền. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng và giải quyết tốt các giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã thường xuyên rà soát đơn giản hóa TTHC, hệ thống hóa bộ TTHC, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ TTHC. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành các quyết định công bố TTHC chuẩn hóa thuộc chức năng quản lý chuyên ngành ở các cấp, các ngành. 

Hiện nay, danh mục TTHC thuộc phạm vi giải quyết trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có: 2.106 TTHC (cấp tỉnh: 1.591 TTHC, cấp huyện: 383 TTHC, cấp xã: 132 TTHC), trong đó, 2.088 TTHC do cơ quan Trung ương quy định, 18 TTHC đặc thù của địa phương. Tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của 03 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh là 288.008 hồ sơ; Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC: Số hồ sơ đã giải quyết là 279.079 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 268.578 (chiếm tỷ lệ 96,24%); số hồ sơ bị quá hạn là 10.501 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 3,76%); số hồ sơ đang giải quyết là 8.929 hồ sơ. Tổng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 121.527 hồ sơ được tiếp nhận, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia: Toàn tỉnh đã thanh toán hơn 15.114.130.030 tỷ đồng với 3084 giao dịch thành công.

Các cơ quan chuyên môn thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kịp thời ban hành các quyết định công bố TTHC chuẩn hóa thuộc chức năng quản lý chuyên ngành ở các cấp, các ngành. Công tác tuyên truyền về CCHC được tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. UBND tỉnh đã duy trì đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức tại chuyên trang, chuyên mục “Trao đổi và tháo gỡ” “chính quyền với người dân” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh nhằm giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.106 TTHC (tỷ lệ 100%) được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, công dân tại Bộ phận Một cửa các cấp được thực hiện nghiêm túc, là địa chỉ thân thiện, quen thuộc của các công dân, tổ chức khi cần giải quyết các TTHC… 

 Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn kiểm tra đánh giá cao những kết quả mà Thừa Thiên Huế đạt được trong công tác thực hiện các nhiệm vụ về CCHC. Đó là vai trò tham mưu của các sở, ngành trong công tác CCHC; chú trọng thực hiện bài bản trong công tác ban hành các quy phạm pháp luật; quan tâm, gắn CCHC với chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân; thực hiện tốt Đề án 06, chuyển đổi số trong y tế và giáo dục… Ngoài ra, kết quả chỉ số CCHC có xu hướng cải thiện theo hướng tích cực; người dân tham gia khá tốt vào công tác CCHC. Đặc biệt, trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã có những đầu tư về cơ sở vật chất một cách khá đồng bộ ở các địa phương; nội dung sắp xếp các đơn vị hành chính có những phương án cụ thể…

Dù vậy, Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra những tồn tại hiện hữu. Theo đó, Thừa Thiên Huế cần có phương hướng về sắp xếp các đơn vị hành chính cụ thể hơn; quan tâm đến sự hài lòng của người dân khi thực hiện các TTHC; cần nâng cao chất lượng chính sách, dịch vụ công; tiếp tục cập nhật, làm giàu dữ liệu… Bên cạnh những kết quả, buổi làm việc cũng ghi nhận những khó khăn của tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Đó là khó khăn về nguồn lực, số hóa hồ sơ cấp cơ sở, liên thông các TTHC…

Trước những khó khăn đó, tỉnh đề nghị các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu, hướng dẫn và quy định cụ thể về mô hình, việc bố trí công chức hay viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện vào Nghị định 61/2018/NĐ-CP, Nghị định 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Ban hành văn bản hướng dẫn đồng bộ mô hình vận hành giải quyết TTHC trên môi trường mạng; có phương án tính số lượng hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống xử lý dịch vụ công của Bộ, ngành cho tỉnh. Sớm ban hành hướng dẫn đối với TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, cần có hướng dẫn cách thực hiện các TTHC nội bộ để địa phương triển khai; hướng dẫn cụ thể, việc đồng bộ giải quyết TTHC giữa các tỉnh với các Bộ, ngành…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh xác định CCHC như “cuộc cách mạng”. Dù gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, song quan điểm xuyên suốt của tỉnh là nâng cao tính chủ động theo quy định hiện hành.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện công tác CCHC. Tỉnh đã làm tốt vấn đề cắt giảm các TTHC, dịch vụ công trực tuyến, sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Ngoài ra, có những kết quả trong công tác thông tin truyền thông doanh nghiệp; hoàn thành 101/161 nhiệm vụ của Chính phủ. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiên phong trong việc xây dựng chính quyền điện tử.

Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh: “CCHC là khâu đột phá, do vậy, tỉnh cần khắc phục các tồn tại hiện hữu để phát huy những mô hình, cách làm hay. Những kiến nghị của tỉnh, đoàn kiểm tra tiếp thu, ghi nhận và sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Thừa Thiên Huế cần phát huy thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững”./.

Tin, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực