Ngày 10/01/2023, Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
|
Đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, cùng các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc, Thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 bằng nguồn vốn ngân sách của Thành phố. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư theo kế hoạch là gần 2.145 tỷ đồng.
Đến nay, Thành phố đã bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản gần 936 tỷ đồng/1.647,702 tỷ đồng cho 121 dự án; đã giải ngân trên 80% theo kế hoạch. Tổng nguồn vốn sự nghiệp gần 497 tỷ đồng, đã bố trí hơn 5,8 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% theo kế hoạch.
Nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con tiếp tục được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ còn 132 hộ nghèo, chiếm 6,2% số hộ nghèo của Thành phố và chiếm 0,72% tổng số hộ dân trong khu vực, trong khi chuẩn nghèo của Thành phố cao hơn chuẩn nghèo do Chính phủ ban hành.
Công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu dạy và học; giữ vững thành quả 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 100% thôn có nhà văn hoá…
Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá được phát động sôi nổi, rộng khắp, gắn với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thành phố được đảm bảo ổn định.
Về phía các huyện có xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và Thành phố đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Thành phố triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số với mức hỗ trợ 50% mức lương cơ sở/người/tháng. Hà Nội là địa phương thứ hai trong cả nước thực hiện được chính sách hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín, góp phần động viên lực lượng quần chúng đặc biệt này phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác thăm hỏi tặng quà các dịp lễ, tết cho gia đình người có công, gia đình chính sách, người có uy tín, hộ nghèo, hộ khó khăn người dân tộc thiểu số luôn được đảm bảo theo quy định.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới, tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc; các lớp truyền dạy văn hoá dân tộc được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc Thành phố Hà Nội, những kết quả đạt được trong năm 2022 là tiền đề quan trọng để tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2023 - năm bản lề thực hiện những nội dung về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhiệm vụ trọng tâm công tác dân tộc của Thành phố nói chung, Ban Dân tộc Hà Nội nói riêng trong năm 2023 là tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo hiệu quả. Đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc của Trung ương và Thành phố đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố nhấn mạnh, công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ là việc của riêng Ban Dân tộc.
Ghi nhận kết quả giải ngân đầu tư công các chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đạt khá cao, đúng tiến độ và chưa có sai sót, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các sở, ngành, địa phương trong năm 2023, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để có cơ sở tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đạt hiệu quả cao hơn.
Đồng chí yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản theo kế hoạch trên cơ sở đổi mới cách thức đầu tư đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún. Các dự án phải có quy hoạch, hài hoà với mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hoá xứ Đoài, tránh bê tông hoá làm mất đi bản sắc văn hoá của vùng nông thôn Thủ đô.
Nhấn mạnh đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố sinh sống quần cư, tập trung thành thôn ở 13 xã và 1 thôn thuộc 5 huyện là điều kiện thuận lợi để các sở, ngành, địa phương tham mưu cho Thành phố các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là văn hoá cồng chiêng của dân tộc Mường ở huyện Quốc Oai và nghề làm thuốc Nam truyền thống của người Dao ở huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố yêu cầu phải có giải pháp để đưa bản sắc văn hoá trở thành sinh kế, góp phần giảm nghèo và nâng cao hơn nữa đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại Hội nghị, 10 tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc vinh dự được Chủ tịch UBND Thành phố tặng Bằng khen; 4 tập thể và 13 cá nhân được Trưởng ban Dân tộc Thành phố tặng Giấy khen./.