TP Hồ Chí Minh hướng tới thực hiện kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy

Thứ tư, 27/01/2021 18:09
(ĐCSVN) - Nếu TP. Hồ Chí Minh không thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, hàng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại hình phương tiện này với CO là 68.479 tấn/năm, tương ứng với mức gia tăng là 15,88%/năm; với HC là 4.475 tấn/năm tương ứng với mức gia tăng là 12,85%/năm.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (Nguồn: danviet.vn)

Ngày 27/1, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Nghiên cứu thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Tại Hội nghị, ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thời gian vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trong cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố lớn nói riêng đang diễn biến vô cùng phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng.

Tại hội thảo cũng chỉ ra “Ô nhiễm không khí trong đô thị do nhiều nguồn gây ra như công nghiệp, giao thông thông vận tải, sinh hoạt... Trong đó, hoạt động của các loại xe cơ giới nói chung và xe mô tô, xe gắn máy nói riêng là một trong những nguồn phát thải trực tiếp một số chất có ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của con người”.

Báo cáo kết quả, qua 1 năm thực hiện, thí điểm trên hơn 10.600 xe máy và xây dựng 8 trạm kiểm định khí thải trên 4 quận huyện, ông Đinh Trọng Khang – Phó Giám đốc Viện Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (ITST) thông tin, tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 7,4 triệu xe máy, trong đó lượng xe trên 10 năm sử dụng chiếm tới 67,89%. Đây là những loại xe có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành.

Nếu thành phố không thực hiện kiểm soát khí thải xe máy, hàng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại hình phương tiện này với CO là 68.479 tấn/năm, tương ứng với mức gia tăng là 15,88%/năm; với HC là 4.475 tấn/năm tương ứng với mức gia tăng là 12,85%/năm. Còn nếu thực hiện kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy thì lượng khí thải sẽ giảm 56.403 tấn CO/năm (tương đương 13,1%) và 4.808 tấn HC/năm (tương đương 13,8%).

“Việc kiểm soát khí thải xe máy là cần thiết trong bối cảnh TP.HCM đang nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Việc thực hiện chính sách kiểm soát khí thải sẽ đem lại lợi ích rất lớn trong việc cắt giảm khí thải”, ông Đinh Trọng Khang nhấn mạnh.

Trước tính cấp bách thực hiện Đề án, đơn vị đã nghiên cứu và đề xuất phương án “Kiểm soát hỗn hợp theo khu vực và năm sử dụng xe”. Cụ thể, kiểm soát kết hợp theo khu vực, trước tiên là khu vực trung tâm rồi tiến tới toàn thành phố. Trong giai đoạn đến năm 2025, TP. sẽ kiểm soát các xe từ 5 năm sử dụng trở lên, rồi tiến tới giai đoạn sau năm 2025 sẽ kiểm soát khí thải tất cả các xe.

Được biết, tổng kinh phí thực hiện đề án là 553,06 tỉ đồng; trong đó, giai đoạn năm 2021 – 2024 là 203,464 tỉ đồng và giai đoạn năm 2025 – 2030 là 345,6 tỉ đồng. Dự kiến nguồn phí thu được từ Đề án và phương án đầu tư giai đoạn năm 2023 – 2024 là 348 tỉ đồng; giai đoạn năm 2025 trở đi, mỗi năm thu được 299 tỉ đồng và đến năm 2030 là 2.142 tỉ đồng.

Khoản chênh lệch gần 1.600 tỉ đồng sẽ nộp vào ngân sách, tái đầu tư lại đề án, các chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp và thu hồi các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải. Đề án cũng nêu rõ, chính sách này sẽ không làm phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp, do việc quản lý kiểm soát khí thải của xe máy được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng và thống nhất về phương thức quản lý của phương tiện giao thông hiện hành, trừ việc phát sinh chi phí bảo dưỡng kỹ thuật hoặc sửa chữa phương tiện.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản ở Đại học Kanazawa, so với khí thải ô tô , khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm hơn cho con người. Chúng có những thuộc tính gây đột biến gene và teratogen, phá hủy sự phát triển của phôi thai. Hidrocarbon trong khí thải xe máy gây đột biến gene cao hơn so với khí thải từ các loại động cơ khác, hủy hoại sự chuyển hóa testerosterone ở đàn ông và oestrogen ở phụ nữ. Do sự tác động như vậy mà đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt và phụ nữ bị ung thư các cơ quan sinh sản cũng như gây ra bệnh vô sinh. 
 
KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực