TP Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp xử lý rác thải nhựa

Thứ ba, 18/06/2024 23:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hiện nay, tại các địa phương đều thực hiện chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần, nhựa khó tái chế, trong khi đó, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh có khoảng 9.000 tấn rác thải, trong đó 1.800 tấn là rác thải nhựa, trong khi việc phân loại chỉ đạt 200 tấn.
Rác thải nhựa trên kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: K.V) 

Chính vì vậy, áp lực đối với rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp trên thành phố này là rất lớn. Cùng với sự phát triển của xã hội, TP Hồ Chí Minh cũng đối mặt với rác thải nhựa khổng lồ. Rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thành phố này, xuất hiện ở khắp nơi từ cộng đồng cư dân, hẻm, ngõ cho tới đường phố, các con sông, kênh rạch.

Nhằm ứng phó với ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trong giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một. Từ năm 2018 đến nay, Thành phố đã triển khai 4 kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa qua các biện pháp tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay giảm thiểu tác hại từ rác thải nhựa ra môi trường, Thành phố yêu cầu các sở ban ngành, quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau từ các loại hình báo chí và huy động, sử dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng; thông tin qua việc phát hành tờ gấp, pa nô, áp phích, bản tin liên quan đến công tác bảo vệ môi trường gắn với việc phòng, chống rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, rác thải nhựa có giá trị tái chế đều được chủ cơ sở, người dân chủ động phân loại tại nguồn và chuyển tới các cơ sở có công nghệ tái chế. Còn với rác thải nhựa không có khả năng tái chế hoặc kém hơn, lẫn trong rác thải rắn sinh hoạt sẽ được vận chuyển tới các trạm trung chuyển, xử lý rác thải của Thành phố.

Tác hại của rác thải nhựa, việc tái sử dụng nhựa tái chế, sản phẩm thay thế đều được đưa vào Luật Môi trường năm 2020. Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy ngành nghề tái chế, kiểm soát sản phẩm tái chế. Khi chưa có giải pháp hữu hiệu, vật liệu thay thế, các địa phương cần quản lý, kiểm soát phân phối, thu hồi nhựa cho đúng quy định.

Trong giai đoạn hiện nay, ứng phó với rác thải nhựa, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra các giải pháp là ngăn ngừa, giảm thiểu phát sinh, tăng cường phân loại tại nguồn và có biện pháp thu gom xử lý đảm bảo yêu cầu, hiện nay, Thành phố đã có định hướng cơ chế chính sách phát triển cho công nghiệp tái chế từ quy hoạch công nghiệp tái chế, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường, ưu tiên thu hồi các rác thải có thể tái chế được.

Theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với rác thải nhựa không thể tái chế, tái chế thấp sẽ có giải pháp đồng sử dụng chất thải không có giá trị thay thế vật liệu đốt truyền thống như than. Các chất thải đốt ở nhiệt độ trên 2000 độ C tại các lò đốt xi măng sẽ giải quyết được khí thải độc dioxin/furan.

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh tăng cường triển khai các giải pháp nâng cao ý thức người dân trong vấn đề rác thải nhựa; đẩy mạnh phân loại, tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay Sở Công Thương sẽ tăng cường các biện pháp và chuyên đề cho nội dung hạn chế rác thải nhựa này. Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ kết nối với các chợ, buộc các chợ phải bố trí chỗ bán các sản phẩm túi thân thiện với môi trường cũng như phải có chỗ cho các doanh nghiệp bán hàng sử dụng túi thân thiện với môi trường. Đồng thời, lên kế hoạch đến năm 2030, Thành phố sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, trừ các sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Một số ban quản lý chợ của Thành phố cũng kiến nghị: Thành phố cần thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như đối với doanh nghiệp sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Việc này tránh làm thất thu nguồn ngân sách cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của các sản phẩm thân thiện với môi trường trong thời gian tới./..

Bảo Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực