Một đoạn đê biển ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải được
tỉnh Trà Vinh xây dựng kiên cố - Ảnh: Phạm Cường
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có 9 tuyến đê biển, với chiều dài hơn 85 km. Trong đó, hệ thống các tuyến đê này đã có 14km được đổ bê tông bề mặt; 12 km mặt đê được láng nhựa; 33km mặt đê được đổ đá cấp phối và 22 km mặt đê được san lấp sỏi đỏ. Cao trình của các tuyến đê này từ +2,72m đến + 4m.
Các tuyến đê ven sông, tỉnh Trà Vinh gồm đê Tả - Hữu sông Cổ Chiên, với tổng chiều dài hơn 41 km thuộc địa phận của 2 xã đảo Long Hòa và Hòa Minh của huyện Châu Thành, cao trình của tuyến đê sông là + 3m.
Trong 3 năm gần đây, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, vào thời điểm gió mùa Đông Bắc thổi mạnh kết hợp với triều cường, nước biển dâng cao, cộng thêm nạn khai thác cát sông trái phép đã dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa bão, đã làm sạt lở hơn gần 25 km đê sông, đê biển; gây ảnh hưởng đến đời sống của 259 hộ dân, hơn 293 ha đất sản xuất bị tác động không canh tác được.
Nhiều năm qua, các điểm sạt sạt lở đã được ngành Nông nghiệp và địa phương tiến hành khắc phục gần 11km và đang tiếp tục sửa chữa các đoạn đê biển sạt lở còn lại, giúp người dân trong vùng sớm ổn định đời sống và sản xuất. Cùng với đó, bằng nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình đê, kè ven biển, đê bao kết hợp giao thông ven sông để chắn sóng, ngăn sạt lở.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư theo từng giai đoạn, một số công trình không thực hiện đồng bộ nên tình trạng sạt lở chưa được khắc phục hoàn toàn. Hiện nay, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu rất phức tạp; bão, triều cường, nước biển dâng… ngày càng khó lường.
Mới đây nhất, tỉnh Trà Vinh vừa quyết định đầu tư 35 tỷ đồng thực hiện dự án Di dân khẩn cấp vùng sạt lở thị trấn Cầu Ngang và xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng, số tiền còn lại do ngân sách tỉnh đối ứng.
Dự kiến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2020, dự án sẽ giải quyết được chỗ ở ổn định 242 hộ dân tại vùng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn. Đồng thời, bảo vệ hơn 700 hộ dân đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở.
Mặt khác, dự án còn chống ngập lụt khu vực trung tâm thị trấn trong điều kiện biến đổi khí hậu; chống xói lở khẩn cấp bảo vệ dân cư sinh sống ven sông và hạ tầng đô thị; nâng cấp hạ tầng đô thị và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực dự án..
Mùa mưa bão năm 2019 đang đến gần, để hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại do tình trạng sạt lở gây ra, UBND tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông phối hợp với các ngành và địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, đê biển và tiến hành sửa chữa trên địa bàn toàn tỉnh nhằm kịp thời chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2019.
UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị, địa phương khắc phục, sửa chữa kịp thời để bảo vệ các tuyến đê, kè ổn định trong mùa mưa bão. Cùng với các giải pháp công trình, tăng cường thực hiện các giải pháp trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển, bờ biển, bờ sông; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật chống lấn chiếm bờ sông, bờ biển, hạn chế đào ao nuôi tôm ven bờ sông hoặc sát mặt đê. Các địa phương vận động nhân dân xây dựng hàng rào bờ sông với các cây trồng như lá dừa nước, lục bình... để tạo bãi bồi chống sạt lở.
UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong công tác chủ động phối hợp cùng các đơn vị, địa phương bảo vệ các tuyến đê, kè ổn định trong mùa mưa bão 2019 và những năm tiếp theo...
Giai đoạn 2012-2018, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư hơn 107 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh để thực hiện công tác di dân tại các vùng bị sạt lở trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hơn 500 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu được bố trí chỗ ở tái định cư ổn định, được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất. |