Vai trò của tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs) trong phát triển kinh tế Việt Nam

Thứ hai, 29/01/2018 15:21
(ĐCSVN) - Hoạt động của các INGOs ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển tích cực. Số lượng đã tăng gần gấp đôi với giá trị viện trợ tăng gấp 3 lần (2006-2016) và nhiều mô hình hợp tác hiệu quả. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo có phần đóng góp rất lớn của các INGOs.
Giá trị viện trợ của các INGOs ở Việt Nam tăng lên trên 100 triệu USD giai đoạn (2004-4/2017)
với tổng kinh phí hơn 3 tỉ USD và khoảng gần 30.000 dự án. Ảnh vietnamnet.vn

Tổ chức phi chính phủ quốc tế INGOs ở Việt Nam triển khai hoạt động tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt tập trung vào những vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa và ngày càng tập trung hơn vào các lĩnh vực phù hợp với các ưu tiên và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam như: Xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Các INGOs không chỉ viện trợ vật chất mà cả chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao dân trí, chăm sóc y tế, phổ cập giáo dục...

Nhờ chính sách đổi mới năm 1986, Việt  Nam đã thu  hút  nhiều  tổ  chức  INGOs  đến  hoạt  động.  Ủy  ban  điều  phối  viện  trợ  nhân  dân PACCOM với tư cách là cơ quan có chức năng chuyên môn  đặc biệt được hình thành để tạo điều kiện giúp đỡ các INGOs. Cùng với  sự  ra  đời  của  PACCOM, số lượng INGOs hoạt động ở Việt  Nam  tăng  mạnh. Tính đến tháng 4/2017 đã có gần 1.000 tổ chức INGOs hoạt động ở Việt Nam với giá trị viện trợ lên tới gần 3 tỷ USD được giải ngân; hơn 49,5% các INGOs đến Việt Nam trong giai đoạn 1990 - 2000. Điều này chứng tỏ thành công của chính sách đối ngoại cởi mở của  Việt Nam cũng như hoạt  động  của  PACCOM  trong  việc  kêu  gọi  viện  trợ  để phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo. Ấn tượng nhất là thành tích giảm nghèo của Việt Nam từ 58% (1990) xuống 4,45% (2015). Có được thành tựu giảm ngheo không thể phủ nhận vai trò tích cực của nguồn lực quốc tế, trong đó có vai trò của INGOs.

Số lượng các tổ chức INGOs có quan hệ với Việt Nam tăng từ 500 tổ chức (2003) lên 990 tổ chức (2013) với hơn 28.000 dự án được triển khai trên tổng giá trị giải ngân đạt gần 2,4 tỷ USD. Giá trị viện trợ của các INGOs ở Việt Nam tăng lên trên 100 triệu USD giai đoạn (2004-4/2017) với tổng kinh phí hơn 3 tỉ USD và khoảng gần 30.000 dự án. 

Các tổ chức INGOs có vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, thể hiện rõ trên những khía cạnh sau:

Thứ nhất, vai trò hỗ trợ tài chính. Khoảng 76,1% tổ chức INGOs giữ vai trò hỗ trợ tài chính; hơn 58,2% có vai trò hỗ trợ kỹ thuật và gần 52,2 % giữ vai trò hỗ trợ phương pháp. Theo các tổ  chức  INGOs, song song  với  hỗ trợ tài  chính thì  các  hỗ  trợ  về  kỹ  thuật và hỗ trợ phương pháp sẽ đảm bảo  dự án có chất lượng.  Bên cạnh đó, tương ứng cũng có tới 41,8% và 44,8% tổ chức  INGOs có vai trò là người triển khai hoặc đồng triển khai dự án với các đối tác địa phương. Phương pháp triển khai dự án và kiến thức kỹ thuật là những đóng góp quan trọng nhất của INGOs ở Việt Nam.

Thứ hai, vai trò hỗ trợ giải quyết các vấn đề ở cộng đồng. Tổ chức INGOs là kênh hỗ trợ người nghèo  -  nhóm đối tượng dễ bị tổn thương mà Nhà nước chưa  quan tâm hết. Ở Thanh Hóa và Yên Bái, INGOs thể hiện vai trò cứu trợ nhân đạo, cung cấp tín dụng, hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn... Đây là những hoạt động quan trọng nhất cũng như được đầu tư nhiều nhất của hầu hết các INGOs hoạt động ở Việt Nam.

Thứ ba, vai trò chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài vai trò đóng góp trực tiếp vào thay đổi cuộc sống của người dân, các INGOs còn có vai trò chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp làm cũng như cách thức xây dựng chương trình quốc gia, chính sách và khung pháp lý cho những vấn đề liên quan. Nhiều INGOs như: Tổ chức quốc tế Oxfam, đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng chương trình 135 của Ủy ban dân tộc và chính sách  trợ cấp xã hội của  Bộ Lao động, thương binh và xã hội; Tổ chức PATH (Program for Appropriate Technology in Health ) là tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực y tế) tham gia vào việc xây dựng Luật phòng chống HIV; Tổ chức CARE(Cooperative for American Remittances to Europe) là tổ chức nhân đạo và hỗ trợ phát triển quốc tế, tham gia xây dựng chiến lược phòng chống thiên  tai và biến đổi khí hậu quốc gia...

Thứ tư, vai trò ngoại  giao  nhân  dân. Các INGOs đóng vai  trò  cầu  nối thông  tin  giữa  Việt  Nam  và  các  nước trên thế giới. Thực tế, có rất nhiều giao lưu giữa Việt  Nam  và  các  quốc gia thông  qua  nhân viên, người dân và các nhà tài trợ của các tổ chức INGOs thông qua hội thảo hoặc trao đổi kinh nghiệm. Các INGOs là kênh thu hút thêm vốn và mở rộng quan hệ đối ngoại, từ đó nâng cao hình  ảnh của Việt Nam với thế giới, giới thiệu về môi trường cởi mở, thân thiện của Việt Nam. 

Các tổ chức INGOs không chỉ triển khai dự án, chương trình tài trợ mà còn thành lập Nhóm công tác về dân tộc thiểu số. Năm 2015, các thành viên chính của nhóm đã đóng góp nhân sự, thời gian và kinh phí cho các hoạt động của nhóm. Hoạt động của nhóm nhằm 3 mục tiêu chính là: Xây dựng Chương trình đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016- 2020;  Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Cam kết thúc đẩy hợp tác, chia sẻ và huy động nguồn lực cho giảm nghèo bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Mục tiêu thứ ba vừa là cam kết, đồng thời cũng vừa là khuyến nghị của nhóm cho các hoạt động giảm nghèo ở Việt Nam cho giai đoạn 2016-2020 và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tóm lại, INGOs đã  có vai trò quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững, phù hợp với các ưu tiên, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hoạt động của INGOs mang lại nhiều lợi ích và thay đổi tích cực trong đời sống của Việt Nam.  Sự tham gia của INGOs vào sự phát triển của Việt Nam đã tạo ra cái nhìn đa chiều hơn, toàn diện hơn về các vấn đề kinh tế, xã hội cũng như mô hình phát triển. INGOs góp phần làm cho xã hội Việt Nam cởi mở hơn và hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng quốc tế. Việt Nam đánh giá cao sự  giúp đỡ của các INGOs. Mức độ  tham gia của các tổ  chức INGOs vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển  kinh  tế-xã  hội  của  Việt  Nam  ngày  càng  mạnh,  thể  hiện  số  lượng INGOs hoạt động ở  Việt Nam ngày càng tăng, lĩnh vực và địa bàn hoạt động ngày càng rộng, mức viện trợ  ngày càng lớn, quan hệ  giữa chính phủ  Việt Nam và INGOs đã nâng lên thành quan hệ  đối tác./.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực