Về thăm "làng đỏ" Gia Hội

Thứ hai, 24/07/2017 15:37
(ĐCSVN) - Làng Gia Hội, xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi được nhiều người xem là “làng đỏ” hay làng liệt sỹ bởi cả làng chỉ có 56 nóc nhà nhưng đã có đến 48 liệt sĩ và 13 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây cũng là ngôi làng có nhiều liệt sỹ và mẹ Việt Nam anh hùng nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Lãnh đạo xã đến thăm hỏi cụ Tống Văn Chi (cụ ông mặc áo bộ đội cũ) nhân ngày Thương binh liệt sỹ

Chúng tôi tìm đường về làng Gia Hội để hỏi thăm nhà bà Phan Thị Cúc, một trong những nữ giao liên già nhất làng còn sống để tìm hiểu. Bà Phan Thị Cúc là thương binh 3/4, dù đã ở các tuổi 90 nhưng nhìn bà vẫn còn nhanh nhẹn như cô gái giao liên năm nào. Rót chúng tôi ly trà ấm, bà Cúc kể lại: Ngay từ lúc 16 tuổi bà đã tham gia cách mạng, làm giao liên. Bản thân bà Cúc trong kháng chiến đã nhiều lần bị địch bắt, tra tấn, tù đày nhưng bà vẫn kiên trung. Không riêng gì bà, người trong nhà bà Cúc, ai cũng một lòng theo cách mạng. Con của bà là Tống Văn Tiên đã hy sinh chính trên mảnh đất này. Cha của chồng là ông Tống Mẫn, người đầu tiên của làng tham gia cách mạng. Cụ Mẫn làm thầy dạy học, rất giỏi chữ Hán. Cụ làm nhiều bài thơ chống Pháp để dạy cho học trò, nên bị giặc Pháp bắt đi tù đày và làm khổ sai. Năm 1930, 1931 cụ về nhà mở lớp dạy học và bí mật tham gia cách mạng và đã hi sinh trong một lần làm nhiệm vụ. Cách mạng tháng Tám thành công, làng họp dân thống nhất đổi tên làng thành làng Tống Mẫn để nhớ về người con yêu nước của quê hương. 

Dẫn chúng tôi ra sau vườn để chỉ những di tích hiếm hoi còn sót lại, bà Phan Thị Cúc cho biết: Thời chiến tranh, do khu vực nhà tôi là địa điểm cán bộ họp nên bom đạn liên tục dội xuống khu vực này. Ngày ấy, cả làng như trận địa, bom đạn liên tục dội xuống nơi đây. Có những thời điểm, ban ngày, mọi người đều phải vào hầm trú ẩn để tránh quân địch, đêm xuống mới dám ra đường.

Hiện căn hầm trú ẩn trong vườn nhà bà Phan Thị Cúc đã bị vùi lấp sau nhiều năm. Nhưng cụ Cúc vẫn nhớ rõ vào những năm 1967-1968, đây là căn cứ bí mật, nơi trú ẩn của cán bộ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cùng bộ đội Liên khu V thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Những ngày chiến tranh khốc liệt, khu vườn gia đình bà là nơi trú ẩn cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Những dấu tích đã mất dần theo thời gian nhưng ký ức trong bà thì vẫn luôn hiển hiện.

Bước đi trên con đường làng đỏ Gia Hội, chúng tôi không khó để nhận ra những hố bom của trận càn quét dữ dội vẫn còn in dấu trên đường làng, ruộng vườn sau bao năm chiến tranh đã đi qua. Sau chiến tranh, với 56 nóc nhà trong làng thì có có đến 48 liệt sĩ và 13 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đất nước thống nhất, người dân làng đỏ Gia Hội bắt tay xây dựng quê hương, phát triển kinh tế. Ông Lê Trung Thủy, Bí thư Đảng bộ xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, người dân làng Gia Hội chủ yếu xây dựng kinh tế bằng nông nghiệp. Ngay sau khi giải phóng, bằng sức người và công cụ thô sơ nhưng với phẩm chất bộ đội cụ Hồ, người dân trong làng đã cùng nhau xây hồ, đắp đập, đào mương để khai hoang những vùng đất đầy bom đạn trồng lúa, phát triển kinh tế hộ.

Tham gia cách mạng từ thời trẻ, sau chiến tranh cụ Tống Văn Chi (89 tuổi, người dân làng Gia Hội) trở về quê hương. Chứng kiến những đổi thay từ quê hương sau nhiều thập kỷ, những người như cụ hiểu được giá trị hồi sinh từ làng đỏ Gia Hội. Ông Tống Văn Chi cho biết: Bây giờ làng Gia Hội đã phát triển khác xưa nhiều, trong làng không ai đói cả, con cái đều được học hành, cơ sở hạ tầng được nhà nước đầu tư đồng bộ, người dân trong làng đã biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, vì thế cuộc sống của người dân được ấm no hơn.

Cụ bà Phan Thị Cúc chỉ di tích hầm bí mật hiếm hoi còn sót lại

Làng đỏ Gia Hội giờ đã khác xưa, vươn lên với một sức bật mới, từ những đau thương, mất mát đã xây dựng nên mảnh đất trù phú, tươi đẹp trong hòa bình. Trong sản xuất, người dân Gia Hội luôn chú ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cùng tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế. Nhờ đó, cây lúa đã đạt 60 tạ/ha. Bình quân lương thực đầu người đạt 1.000 kg/năm. Hiện cả làng không có hộ đói, các ngôi nhà tranh tre, vách nứa trước đây đều được thay thế bằng những ngôi nhà ngói khang trang.

Hơn 40 năm sau chiến tranh, nhiều làng quê là vùng căn cứ cách mạng xưa như làng đỏ Gia Hội đã dần hồi sinh. Sức sống mới trên những vùng đất lửa gian khó được dựng xây từ những con người kiên cường, bất khuất minh chứng cho ý chí của một trang sử hào hùng của dân tộc./.

Bài, ảnh: Trường Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực